Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Ảnh: AACC2015.id
Lá cờ vàng ba sọc đỏ, đại diện cho chính thể Việt Nam Cộng Hoà vừa được công khai xuất hiện tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị cấp cao Á Phi hôm 24/4/2015.
Đây là một hội nghị quốc tế diễn ra ở thành phố Bandung, Indonesia có sự tham dự của chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với các nhà lãnh đạo đại điện cho 109 quốc gia hai châu lục.
Hình ảnh được đăng trên website hội nghị cho thấy, trong buổi lễ lá cờ vàng ba sọc đỏ được trang trọng đứng chung với lá cờ của nhiều quốc gia khác.
Không rõ vô tình hay cố ý, ban tổ chức đã sắp xếp cờ Việt Nam Cộng Hoà đứng gần sát với lá cờ đỏ sao vàng của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo 109 quốc gia đứng trước các lá cờ để tham gia nghi thức chụp ảnh lưu niệm.
Dù vậy, khi đưa tin về sự kiện này, truyền thông nhà nước Việt Nam đã cắt bỏ những bức ảnh có sự xuất hiện của lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Sau năm 1975, những biểu tượng liên quan đến Việt Nam Cộng Hoà luôn là điều tuyệt đối cấm kỵ đối với các lãnh đạo cộng sản. Điển hình gần đây nhất là trường hợp anh Nguyễn Viết Dũng đã bị CA Hà Nội khởi tố hình sự vì mặc quân phục và đeo biểu tượng người lính Việt Nam Cộng Hoà.
Do đó, hình ảnh nước chủ nhà Indonesia công khai treo biểu tượng Việt Nam Cộng Hoà tại một nghi lễ quốc tế cấp cao chính là một gáo nước lạnh đối với nhà cầm quyền CSVN.
Hội nghị Á Phi hay còn được gọi là Hội nghị Bandung được diễn ra lần đầu tiên vào năm 1955 theo sáng kiến của Indonesia. Đây được coi là cuộc gặp gỡ quy mô lớn đầu tiên giữa các quốc gia châu Á và châu Phi tại thời điểm vừa giành được độc lập.
Tại hội nghị cách đây 60 năm, cả hai phía Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đều có mặt tham dự.
Để xem thêm các hình ảnh về buổi lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị cấp cao Á Phi, bạn đọc có thể vào website hội nghị tại địa chỉ: http://www.aacc2015.id/?lang=en&p=photo
* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.
Song song với việc vận động xin chữ ký cho Chiến Dịch Nhân Quyền 2015, Úc châu bắt đầu xuống đường xin chữ vận động trả tự do cho Nguyễn Viết Dũng. Thỉnh nguyện thư sẽ được gởi đến Ngọai Trưởng Úc bà Julie Bishop nói lên sự quan tâm của người Việt chúng ta.
Nhân dịp biểu tình 30-4-2015 tại Canberra, 10 anh chị mặc áo “We Are One” đã theo đoàn xe từ Melbourne đi Canberra biểu tình. Được sự đồng ý của Ban Tổ Chức các anh chị đã đồng lọat xin chữ ký trên 4 xe bus phát xuất từ Melbourne sau đó các anh chị lại tiếp tục xin chữ ký trong cuộc biểu tình.
Trên 600 chữ ký cho Nguyễn Viết Dũng đã thu được trong lần này. Một số người đã ký cho Chiến Dịch Nhân Quyền 2015 nên số chữ ký thu được chỉ ước chừng 400 chữ cho Chiến dịch.
Trên 900 chữ ký và người từ Việt Nam cũng đã ký tên online.
Theo Chương Trình vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 30-4-2015 sẽ có Đêm Thắp Nến cho Nhân Quyền trước Quốc Hội Tiểu Bang Victoria Úc và 7 giờ tối cùng ngày sẽ có một lễ tưởng niệm tại Dandenong chúng tôi cũng đã thu xếp để xin chữ ký.
Ngày 9-5-2015, Khối 8406 sẽ xuống đường vận động cho cả hai chiến dịch.
Ngày 17-5-2015, Cộng đồng Victoria sẽ cùng SBTN Úc châu tổ chức 1 buổi văn nghệ ngoài trời có ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn tham dự với sự đóng góp của các ca sĩ Melbourne và Sydney. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Cộng đồng Victoria để vận động cho cả hai chiến dịch.
Ngoài ra chúng tôi cũng đã và sẽ liên lạc với nhiều Hội Đoàn để đứng ra xin chữ ký cho Nguyễn Viết Dũng.
* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.
Một sự thật về những giờ phút sau cùng của chiến tranh Việt Nam vừa được hé lộ sau 40 năm khép lại cuộc chiến làm lay động lòng người khi bộ phim tài liệu nhan đề ‘Những ngày cuối ở Việt Nam’ được trình chiếu tại Mỹ, đánh dấu ngày Sài Gòn sụp đổ 30/4/1975.
Bộ phim thuật lại việc một số sĩ quan Mỹ trước khi rút khỏi Việt Nam, đã bất chấp lệnh trên để di tản hàng ngàn người Việt muốn chạy khỏi chế độ cộng sản trước khi quân Bắc Việt tiến chiếm Sài Gòn.
Cuộc di tản chóng vánh diễn ra trong 24 giờ đồng hồ cuối cùng của cuộc chiến mở ra một chương mới trong lịch sử người Việt tị nạn, đã được đạo diễn Rory Kennedy tái hiện một cách sống động, hồi hộp, và đầy cảm xúc qua lời thuật của chính những người trong cuộc cùng với những đoạn phim tư liệu lịch sử quý giá.
Nữ đạo diễn Rory Kennedy, nhà làm phim tư liệu có tiếng từng lãnh giải thưởng điện ảnh danh giá Emmy, xuất thân từ một dòng tộc chính trị nổi tiếng của Mỹ có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến Việt Nam. Bác của bà, cố Tổng thống John Kennedy, là người ký lệnh đưa lính Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam. Thân phụ của bà, cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, ứng viên đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống năm 1968, từng đề xuất các kế hoạch nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Trong chuyến thăm thủ đô Washington quảng bá cho bộ phim trước khi công chiếu trên kênh mạng lưới truyền hình công PBS vào ngày 28/4 năm nay, đạo diễn Rory Kennedy đã dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về thông điệp của trách nhiệm và tình người từ ‘Những ngày cuối ở Việt Nam.’
VOA: Kể lại câu chuyện ‘Những ngày cuối tại Việt Nam’, thông điệp chính bà muốn gửi gắm qua bộ phim này là gì?
Đạo diễn Kennedy: Đáng chú ý là rất nhiều người không biết những gì đã diễn ra trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam, cho nên tôi muốn chia sẻ với mọi người các sự kiện đó. Theo tôi, mọi người cần hiểu rõ thời khắc đó của lịch sử. Bộ phim ra mắt cũng đúng lúc khi mà những thắc mắc nêu lên trong phim vẫn còn phù hợp với nước Mỹ ở hiện tại, chẳng như làm thế nào để bước ra khỏi một cuộc chiến, trách nhiệm của chúng ta ra sao đối với những người bỏ lại sau lưng, và có hiểu sách lược thoát ra thế nào một khi bước vào chiến tranh không.
VOA: Tán dương những người Mỹ đã bất chấp rủi ro giúp di tản dân miền Nam Việt Nam chạy thoát cộng sản, phải chăng bà muốn chia sẻ với mọi người khía cạnh bên kia của câu chuyện rằng người Mỹ không đơn thuần phủi tay ra đi khi cuộc chiến kết thúc, mà thật ra có sự thể hiện của tình người và trách nhiệm, vốn cũng là lý do cộng đồng người Việt có mặt tại Mỹ hôm nay?
Đạo diễn Kennedy: Trước nhất bộ phim thuật lại người Mỹ đã bỏ rơi dân miền Nam Việt Nam như thế nào. Chuyện này, theo tôi, nước Mỹ cần phải công nhận và nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự ra đi đó, có nhiều người Mỹ và người Việt đã hết sức anh dũng, cố gắng làm mọi chuyện có thể để cứu càng nhiều dân miền Nam càng tốt trong 24 giờ đồng hồ cuối cùng ấy. Bộ phim tán dương các cá nhân dũng cảm đó với cái nhìn mở về chính sách của Mỹ sai lệch và không phù hợp thế nào, cũng như người dân miền Nam Việt Nam đã phải trả giá ra sao cho việc đó. Một trong những nhân vật chúng tôi nhắc tới trong phim, đại úy hải quân Phạm Hữu Đàm, người tin là sẽ được di tản ra khỏi Việt Nam nhưng rốt cuộc đã bị bỏ lại để rồi bị đi học tập cải tạo 13 năm. Những người như ông Đàm bị tù khổ sai, bị tra tấn, bị giết trong các trại cải tạo sau chiến tranh. Đó những cái giá mà những người ở lại phải trả. Chúng ta cần phải hiểu điều đó với tinh thần trách nhiệm.
VOA: Vì sao bà chú tâm tới cuộc chiến Việt Nam, một chủ đề đau lòng kéo dài suốt 40 năm nay?
Đạo diễn Kennedy: Cuộc chiến Việt Nam là giai đoạn có ảnh hưởng mạnh trong lịch sử nước Mỹ. Từ nhỏ tôi đã quan tâm đến Việt Nam. Cha tôi, ông Robert Kennedy, ra tranh cử Tổng thống lần cuối vào năm 1968 thật sự vì ông muốn Mỹ ra khỏi Việt Nam. Theo tôi, có rất nhiều bài học cần phải rút ra từ cuộc chiến này. Kể lại những ngày cuối ở Việt Nam từ ghi nhận của chính các nhân chứng trải nghiệm thời khắc này nhắc nhớ chúng ta về cái giá của chiến tranh về mặt con người.
VOA: Bà nghiệm ra điều gì qua việc thực hiện bộ phim này?
Đạo diễn Kennedy: Có rất nhiều bài học cho tôi. Một trong những điều tôi nghiệm ra khi làm bộ phim này là tới tháng 4 năm 75 Hoa Kỳ có rất ít sự lựa chọn tốt. Điều này cho tôi thấy rằng cần phải có chiến lược khi bước vào một cuộc chiến, cần phải nắm được mục đích tham gia và kế sách bước ra khỏi chiến tranh vì một khi bước vào có thể bị mất kiểm soát, để lại hậu quả lớn và lâu dài cho những người tham chiến, cho dân chúng sống trong cuộc chiến. Trong một số phương diện, những vấn đề và thách thức khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam đang diễn ra với các cuộc chiến hiện nay tại những nơi khác. Cần phải rút ra bài học từ lịch sử.
VOA: Cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là một sai lầm. Là người thuộc thế hệ hậu chiến, một nhà làm phim tư liệu xuất thân từ một gia tộc chính trị cấp cao ở Mỹ, bà nhận thấy sai lầm và bài học ở đây là gì?
Đạo diễn Kennedy: Theo tôi, điều rất quan trọng sử dụng hoạt động quân sự như một giải pháp sau cùng chứ không phải đầu tiên, cân nhắc hậu quả. Tuy không thể hiện trong bộ phim, nhưng cá nhân tôi cho rằng cuộc chiến Việt Nam không mang lại mấy giá trị mà hậu quả thì to lớn vô cùng. Cho nên, sai lầm ở đây là sai lầm chiến lược. Đây là lịch sử. Chúng ta còn nợ chính bản thân mình trong việc hiểu rõ những gì đã diễn ra, còn nợ những người miền Nam Việt Nam trong việc công nhận tinh thần anh dũng của họ cũng như cảm kích những gì họ đã phải trải qua, đặc biệt vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến, và cả sau biến cố 30/4, những đau thương và khó khăn mà rất nhiều người miền Nam phải gánh chịu để được đặt chân tới Mỹ. Bộ phim trình chiếu trong năm qua đã nhận sự hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng người Việt và họ đã trải lòng những câu chuyện của họ với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã mở chương trình gọi là ‘Những ngày đầu tiên’ trên website của hệ thống truyền hình PBS với những đoạn ghi âm tâm tình của người Việt khắp nơi kể về hành trình họ tới Mỹ. Đó là những câu chuyện cực kỳ độc đáo.
VOA: Một số người nói cuộc chiến Việt Nam cho thấy cái giá phải trả khi nhúng tay vào chuyện của các nước khác. Ý kiến bà ra sao?
Đạo diễn Kennedy: Điều này cũng đúng một phần. Tôi sẽ không đưa ra phát biểu bao quát rằng chúng ta không bao giờ nên can thiệp vào chuyện của các nước khác vì có những tình thế cần phải làm như vậy. Nhưng tôi cho rằng trong trường hợp chúng ta phải làm và khi chúng ta làm, chúng ta phải cân nhắc suy tính thật kỹ, phải thật cẩn trọng và chiến lược. Một quốc gia có quân đội hùng mạnh đó chính là cơ bắp mà chúng ta phải biết cách sử dụng. Tôi nghĩ chúng ta đã dựa vào sức mạnh này nhiều hơn mức cầm thiết. Có những sự lựa chọn chiến lược khác mà chúng ta có thể dùng, như nỗ lực ngoại giao và cùng các phương thức khác, để chúng ta áp dụng giúp các nước không đi trật hướng mà không cần đến các động thái quân sự.
VOA: Trở lại với bộ phim, hành động của đại tá Stuart Herrington ở cuối bộ phim một lần nữa nhắc nhớ tới sự bội ước của Mỹ với miền Nam Việt Nam, vốn cũng là một lời cảnh cáo cho các đồng minh của Mỹ hiện tại và trong tương lai. Bà nghĩ thế nào?
Đạo diễn Kennedy: Một phần thông điệp ở đây chính là thể hiện sự khả tín là điều hết sức quan trọng. Trong nhiều năm, nước Mỹ đã đánh mất lòng tin và sự khả tín ấy. Chính quyền đương thời của Tổng thống Obama đang tìm cách xây dựng lại điều đó. Người dân trong nước cần bảo đảm rằng giới lãnh đạo thành thật và chịu trách nhiệm về những gì họ làm, rằng chúng ta được thông tin đầy đủ để có được sự lựa chọn chiến lược tốt nhất.
VOA: Có người đánh giá phim ‘Những ngày cuối ở Việt Nam’ là sâu sắc. Có người cho là một chiều vì không cho phe cộng sản Bắc Việt có tiếng nói trong khi phơi bày sự hung hăng, bất tín, và tàn bạo của họ; cũng như đưa ra hình ảnh binh sĩ miền Nam cởi bỏ quân phục và vũ khí tan hàng mà lại không nhắc tới cảnh các tướng tá miền Nam tự vẫn khi được lệnh buông súng. Bà giải thích thế nào về những điểm khuyết ấy?
Đạo diễn Kennedy: Với nhan đề ‘Những ngày cuối ở Việt Nam’, bộ phim chủ yếu phản ánh những khía cạnh của Mỹ và những ngày cuối của Hoa Kỳ trong cuộc chiến này chứ không nhằm phản ánh tất cả mọi khía cạnh về cuộc chiến. Phim chỉ xoay quanh những người trực diện với 24 giờ đồng hồ cuối cùng ở Việt Nam. Tuy tập trung vào một câu chuyện nhỏ trong những ngày cuối vốn chưa từng được kể trước đây, nhưng phim đã mang lại những giá trị to lớn.
VOA: Theo bà, bộ phim này sẽ đóng góp ra sao cho mối quan hệ Việt-Mỹ giữa lúc đôi bên năm nay kỷ niệm 2 thập niên ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao?
Đạo diễn Kennedy: Quan hệ hai bên đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua. Theo tôi, tất cả chúng ta cần phải tìm hiểu về cuộc chiến để nhận biết những gì đã diễn ra, sự can đảm của người dân miền Nam, cũng như thảm kịch của giai đoạn đó. Nhìn nhận quá khứ là việc làm hết sức quan trọng để tiến tới tương lai. Khán giả của tôi ở đây xem bộ phim này như một nguồn hàn gắn đối với nhiều người Việt và tôi tin là người dân tại Việt Nam cũng cảm nhận như thế.
VOA: Xin chân thành cảm ơn đạo diễn Rory Kennedy đã đến với đài VOA trong cuộc phỏng vấn hôm nay.
Tấm bia gắn ở Viện Bảo tàng Chiến tranh của Quốc Gia
Video biểu tình của Hoài Phương (Vài hình copy từ Ngọc Minh Facebook và SBS Radio)
▼
Suốt cả tuần nay tiểu bang NSW bị thiên tai tàn phá nặng nề; dông tố, bảo lụt vào trong tuần đại lễ Kỷ niệm 100 năm ANZAC Day, ngày đánh dấu lần đầu tiên Quân đội Hoàng Gia Úc và Tây Tây Lan cùng đổ bộ lên đảo Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành ngày truyền thống như một Ngày Quân Lực của Úc Đại Lợi để tưởng nhớ, ghi ơn những vị anh hùng, chiến sĩ Úc đã tham chiến hay đã hy trong những trận chiến từ chiến tranh Thế giới thứ nhất cho đến nay trong đó chiến tranh Việt Nam.
Canberra là Thủ đô của Úc Đại Lợi chỉ cách xa Sydney 300 cây số nên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về thời tiết. Mưa, gió, dông tố suốt cả tuần, nhiệt độ xuống đột ngột từ 20 độ C đến 12 độ C, nhiều hôm lạnh buốt. Theo dự báo thời tiết thì trời sẽ mưa vào sáng ngày thứ Bảy và ngày Chủ Nhật.
Cứ mỗi năm vào Lễ ANZAC có Dawn Service từ 5 giờ tới 6 giờ sáng, tức là Lễ vào rạng sáng ngày 25 tháng Tư, để tưởng niện Quận đội Hoàng Gia Úc và Tây Tây Lan đổ bộ lên đảo Gallipoli vào rạng sáng ngày 25 tháng Tư năm 1915 và hơn 8 ngàn chiến sĩ đã hy sinh. Năm nay kỷ niện 100 năm ngày ANZAC nên chính phủ Úc tổ chức một ngày Lễ lớn mà thời tiết như dự báo sẽ không được như ý vì lễ tổ chức ngoài trời.
Thế nhưng, rạng sáng thứ Bảy trời chỉ vừa se lạnh và mặt trời mọc lên đỏ hoe trong bầu trời trong xanh và số người tham dự ngoài dự đoán của Ban tổ chức là khoảng 125 ngàn người, gấp đôi, gấp ba lần mọi năm, tính theo dân số Canberra là một phần ba dân số đi tham dự, số người tham dự đông gấp bội những thành phố lớn như Sydney, Melbourne.
Báo chí và truyền thông ca ngợi lòng thương mến, ngưởng mộ của người dân cho sự hy sinh cao cả của các anh hùng và chiến sĩ đã quên mình chiến đấu, hy sinh để họ được sống an bình. Để tôn phục Ngày ANZAC, siêu thị và tiệm, shop không mở cửa trước 11 giờ.
Sau Lễ Hừng Đông là Lễ diễn hành vào lúc 10 giờ 15, cuộc diễn hành có sự tham dự của nhiều quan khách, chính khách. Trong suốt buổi diễn hành, chiến tranh Việt Nam được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần vì nhiều ngành, binh chuẩn và hơn 60 ngàn lính Hoàng Gia Úc đã tham chiến trườngViệt Nam từ 1962 đến 1972 và có sự hiện diện của phái đoàn QLVNCH và Hậu duệ (nhưng rất tiếc vì quá đông nên không thể chụp hình được). Kết thúc buổi lễ là bản nhạc Quốc Ca Úc Đại Lợi và cũng vừa lúc mưa dông kéo đến, mưa như thác đổ.
Ngày Chủ Nhật, 26 tháng Tư, CĐNVTD-ÚC tổ chức cuộc Biểu tình Tưởng niện 40 Ngày Quốc Hận tại Canberra và cũng theo dự báo thời tiết, trời sẽ có mây mù và có thể trời mưa nhẹ cả ngày. Canberra trời vào cuối thu nên lạnh buốt khó chịu, nhưng dù có mưa gió chúng ta cũng chẳng ngại ngùng gì vì 40 năm trước đây cả triệu người chẳng sợ bảo tố phong ba, hải tặc liều mình lênh đênh trên biển cả để trốn chạy Cộng sản.
Thế nhưng, sáng nay, trời trong nắng ấm, chỉ có vài đám mây nho nhỏ, hơn ba ngàn đồng hương đến từ các tiểu bang Queensland, WA, SA, NSW và ACT, đứng chật cả con đường trước toà đại sứ VC. Sau lễ chào cờ Úc-Việt và phút mặc niệm, các vị đại diện Cộng đồng pháp biểu, tố cáo, vạch trần tội ác CS và hậu quả CS gây ra cho người dân và đất nước sau 40 năm cầm quyền.
Sau cuộc biểu tình trước toà đại sứ VC, đồng hương tề tựu về Đại chiến sĩ Úc-Việt trên đường Anzac Parade, trước Viện Bảo tàng Quốc gia lúc 2 giờ trưa để đặt vòng hoa và tri ân 521 chiến sĩ Hoàng Gia Úc đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam để bảo vệ nền tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam và đồng thời ngăn chặn làn sóng Cộng sản tiến vào Đông Nam Á. Lúc bắt đầu buổi lễ, vài giọt mưa lát đát rồi ngưng hẳng cho đến cuối buổi lễ.
Buổi lễ vừa chấm dứt, đồng hương lên xe trở về, trong chốc lát sau dông tố lại ấm ầm kéo tới, mưa trút như thác đổ ....
Hai đại lễ thành công mỹ mãn ngoài dự đoán, làm bớt đi nỗi lo âu của mọi người. Đây không chỉ là may mắn mà được trời thương nữa là khác!
Ông Dan Southerland, Tổng Biên tập đài ACTD trả lời phỏng vấn xướng ngôn viên Hòa Ái, RFA
Ông Dan Southerland gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn tại Việt Nam năm 2005.
Ký giả Dan Southerland hiện là Tổng Biên tập đài ACTD. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông Southerland được biết đến như là một phóng viên kỳ cựu về tin tức ở Châu Á. Ông đến Sài Gòn làm việc hồi năm 1966 để đưa tin về chiến tranh VN trong suốt 9 năm cho đến ngày 30/4/1975. Ký giả Dan Southerland có cuộc trao đổi với Hòa Ái những ghi nhận của ông về VN sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm.
Ký ức buồn
Hòa Ái: Kính chào ông Dan Southerland, theo như Hòa Ái biết ông vẫn ở lại Sài Gòn cho đến những giờ phút cuối vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 như là một phóng viên Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm qua, điều gì khiến cho ông nhớ nhất về những ngày đó?
Ông Dan Southerland: Tôi nhớ đến những người bạn, những đồng nghiệp mà tôi cố gắng giúp di tản ra khỏi Nam-VN. Bối cảnh lúc đó ở Sài Gòn thật hỗn loạn. Chính phủ Mỹ đã không có kế hoạch di tản tốt dành cho các đồng nghiệp và bạn bè người Việt của những nhân viên Hoa Kỳ. Điều này gây ra nỗi hoang mang sợ hãi cho nhiều người. Tôi nhớ đã cố gắng thuyết phục 2 người bạn nên ra đi và tôi sẽ giúp họ lên trực thăng để di tản.
Tôi cảm thấy thất vọng khi 2 người này tôi nghĩ họ cần phải đi thì họ quyết định ở lại. Trong khi tôi lo ngại cho số phận của họ dưới một chính quyền mới thì một trong hai người họ lại nghe theo lời đồn đoán Cộng sản Bắc Việt sẽ hợp tác với chính quyền VNCH và họ tin sẽ có cuộc sống yên lành.
Còn có 1 vị giáo sư với đứa con nhỏ nữa, trong lúc tôi phụ giúp mang quần áo em bé ra khỏi phòng khách sạn đi di tản thì bất thình lình ông ấy thay đổi quyết định. Ông ấy nói rằng sẽ không sao và đề nghị tôi nên giúp những quân nhân trong Quân lực VNCH. Tôi rất buồn vì không có cách nào để giúp những người lính di tản trong lúc họ đang đánh trận cuối cùng trong tuyệt vọng ở mạn Đông Bắc Sài Gòn. Rồi sau đó, vị giáo sư lại đổi ý muốn ra đi nhưng tôi lại không thể giúp vì quá đông người, không còn chỗ cho ông ấy nữa.
Và tôi cũng nhớ đến 1 người bạn cũng là người thông dịch của tôi. Anh ta nói gia cảnh rất nghèo nên sẽ không gặp trở ngại nào với người Cộng sản. Anh ta tin mọi sự sẽ ổn, sẽ được sống trong hòa bình. Sự việc không như dự đoán, anh ta đã bị tra khảo, đánh đập. 2 năm sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh ta từ Pháp quốc. Anh cho biết buộc phải vượt biên và 1 năm sau nữa, con tàu vượt biên chở vợ và 2 con gái của anh ấy bị công an bắn nhưng may mắn họ sống sót.
Thật là những ký ức buồn. Những giây phút trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN thật sự khủng khiếp. Tôi vẫn rất xúc động khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra.
Hòa Ái: Thưa ông, qua quyển sách “Perfect Spy” tạm dịch là “Điệp viên Hoàn hảo”, được viết bởi tác giả Larry Berman. Trong quyển sách này nhắc đến ông Phạm Xuân Ẩn đã liên lạc và nhờ ông sắp xếp để giúp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, lãnh đạo ngành tình báo thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, di tản ra khỏi VN. Vì sao ông Ẩn lại cố gắng hết sức mình để giúp ông Tuyến, ông có biết hay không?
Ông Dan Southerland: Ông Trần Kim Tuyến được ông Phạm Xuân Ẩn bảo vệ. Thời điểm đó, tôi không biết ông Ẩn là điệp viên. Ông ta từng làm việc cho Bác sĩ Tình báo Trần Kim Tuyến, không một ai có thể ngờ ông Ẩn làm điệp viên cả. Vào ngày 29/4, ông Ẩn gọi điện thoại cho tôi nhờ giúp cho ông Tuyến đi di tản. Tôi đã liên lạc với một quan chức cấp cao Hoa Kỳ nhờ sắp xếp cho ông Trần Kim Tuyến.
Viên chức này nói nếu ông Tuyến không thể vào được bên trong Đại Sứ quán Mỹ thì đến số 39-Đường Gia Long, tôi không còn nhớ chính xác có phải số này không nữa. Tôi đã gọi lại cho ông Ẩn và thông báo địa chỉ, trên nóc tòa nhà sẽ có trực thăng đưa đi di tản. Đích thân ông Ẩn lái xe chở ông Tuyến đi đến địa chỉ trên. Ông Tuyến đã từng rất tốt với ông Ẩn.
Tôi nghĩ ông Ẩn làm điều này để giúp cho ông Tuyến thoát được sự trừng phạt của Việt Cộng. Theo tôi biết, ông Ẩn còn giúp những người khác di tản nữa. Tuy tôi không biết rõ hết mọi điều nhưng tôi có liên quan đến câu chuyện này.
Hòa Ái: Kể từ sau ngày 30/4/1975, có bao giờ trở lại VN hay không? Và bao nhiêu lần?
Ông Dan Southerland: Có, 3 lần.
Ngày trở lại
Hòa Ái: Ấn tượng đầu tiên ông cảm nhận khi vừa đặt chân đến Sài Gòn là gì?
Ông Dan Southerland: Lần đầu tiên vào năm 1982, tôi bị sốc. Nhiều người tôi gặp than phiền về tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm. Tôi cũng bị sốc khi biết một số bạn bè bị tù cải tạo, bị thiếu ăn mà phải lao động nặng nhọc. Có những người bị ở tù cải tạo đến 11, 12 năm và bị chết ở đó nữa. Tôi rất buồn khi nghe những tin tức này.
Có một điều khiến tôi vui là mọi người rất thân thiện và có óc khôi hài. Tôi đã đi đến chỗ tòa nhà Đại Sứ quán Mỹ, một vài người hỏi tôi từ đâu đến, tôi trả lời họ rằng tôi đến từ “Đế quốc Mỹ” khiến cho họ cười xòa. Tôi nói lại “Tôi là 1 người Mỹ”. Họ vỗ tay và chia sẻ mong muốn thấy người Mỹ trở lại. Thời gian đó ở VN có nhiều người Liên Xô nên tôi nói với họ “những người bạn mới Liên Xô thế nào?”.
Họ trả lời là cũng giống người Mỹ nhưng không có đô la. Tôi nhận thấy có nhiều người nghèo. Người chạy xích lô chở tôi than rằng ông ta không có được tấm áo lành lặn. Tôi đã cởi ngay chiếc ác sơ mi đang mặc tặng cho ông ta. Có 1 phụ nữ nhờ tôi tìm giúp người chồng Mỹ ở Hoa Kỳ cho bà. Tất cả những gì tôi đang kể đã khiến tôi rất buồn.
Tôi cũng nhận được tin về ông Phạm Xuân Ẩn là Đại tá Tình báo Cộng sản. Khi đó tôi có 1 người “hộ tống” đi theo, Đại úy Phương Nam. Tôi yêu cầu được gặp gỡ với Đại tá Phạm Xuân Ẩn. Sau đó, Đại úy Phương Nam nói với tôi rằng ông Ẩn không muốn gặp mặt tôi.
Hòa Ái: Khi gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn thì ông Ẩn có nói với ông rằng ông ta gặp trở ngại gì với chính quyền Hà Nội bởi vì ông ta đã cố gắng giúp ông Trần Kim Tuyến di tản ra khỏi VN hay không?
Ông Dan Southerland: Tôi gặp ông Ẩn trong chuyến trở lại VN lần thứ nhì, hồi năm 2005. Điều đầu tiên ông Ẩn nói với tôi là “Họ đã nói láo”. Ông cho biết rất vui gặp lại tôi. Chúng tôi trò chuyện với nhau và ông Ẩn xác nhận chưa bao giờ đưa thông tin sai lệch cho truyền thông Hoa Kỳ.
Tôi tin là vậy. Tôi hỏi ông Ẩn những gì tôi nghe được từ dân chúng ở Sài Gòn nói về tệ nạn tham nhũng có đúng hay không. Ông Ẩn trả lời “Tệ hơn những gì ông được nghe”. Tôi nghĩ là ông Ẩn không còn tin tưởng vào chế độ mới nhưng ông nói chuyện rất thật trọng. Ông Ẩn cho biết không được phép đến Mỹ và không được đi ra khỏi VN. Sau 30/4/75, ông Ẩn phải đi học về thuyết Cộng sản.
Trả lời câu hỏi của cô, tôi nghĩ họ luôn nghi ngờ ông Ẩn vì ông ta đã giúp ông Tuyến và những người khác di tản khỏi Sài Gòn cũng như cố giúp cho 1 nhà báo ra khỏi tù. Họ thắc mắc về sự trung thành của ông Ẩn rằng ông ấy trung thành với Cộng sản hay trung thành với Mỹ?
Hòa Ái: Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Ẩn có chia sẻ gì với ông về suy nghĩ của ông ta khi VN được thống nhất?
Ông Dan Southerland: Ông Ẩn nói chuyện không giống như người Cộng sản. Ông ấy chỉ nói đến những vấn đề cụ thể như vấn nạn tham nhũng. Tôi chia sẻ ghi nhận của tôi rằng VN có vẻ như bắt chước mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho kinh tế phát triển, bộ mặt của TP HCM thay đổi với nhiều tòa nhà mọc lên.
Thế nhưng, ông Ẩn lại cảnh báo với tôi phải thận trọng vì họ bắt chước cả hệ thống ngân hàng của Trung Quốc mà hệ thống ngân hàng này đầy yếu kém với những khoản nợ xấu khổng lồ. Ông Ẩn nói kinh tế VN bùng nổ không có gì là ấn tượng vì sự thay đổi này chỉ khiến người giàu càng giàu có và đẩy người nghèo đến chổ không còn gì. Có lẽ ông Ẩn mất niềm tin là vì vậy.
Bất bình
Hòa Ái: Thưa ông, qua các chuyến trở lại thăm VN sau năm 1975, điều gì đọng lại nhất trong lòng ông?
Ông Dan Southerland: Bên cạnh cảm giác bị sốc trước những gì diễn ra ở VN dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, trong chuyến đi lần thứ 3 vào năm 2013, tôi đến Hà Nội để tham dự hội thảo về truyền thanh. Tôi không đoán biết được người ta sẽ cư xử với tôi như thế nào nhưng họ thật ấn tượng và thân thiện. Và những người tôi gặp đều có trình độ. Những người trẻ bày tỏ mong muốn được đến Hoa Kỳ học thạc sĩ cũng như những kỹ thuật tiên tiến của Mỹ.
Tôi đã đến Phòng trưng bày Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy bất bình về những lời nói xấu các phi công Mỹ. Những lời nói đó hoàn toàn là bịa đặt.
Những thông tin về các phi công Mỹ được đối xử tử tế là không đúng sự thật. Tôi cũng đến tham quan Bảo tàng Cách mạng. Tôi không thấy thích thú gì với những thông tin lịch sử được ghi lại.
Hồi năm 2005, tôi có đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, ở đây mọi thứ được bảo quản rất chu đáo và đẹp đẽ. Sau đó, tôi cũng đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ở chỗ này thì có bảng ghi “Cấm chụp hình”.
Tôi cảm thấy buồn và tôi đã vòng ra phía trước, định bước vào bên trong nghĩa trang nhưng có 2 người trên xe gắn máy áp sát tôi, nói là “Ông không thể vào được. Đây là khu vực cấm”. Tôi nhận thấy 2 nghĩa trang khác nhau quá xa.
Trong chuyến đi năm 2013, tôi có trở lại viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM và Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Lần này không có người canh gác bên ngoài, tôi đi vào bên trong nghĩa trang, bảo vệ yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu và tôi được phép viếng nghĩa trang. Tôi đi vòng quanh khoảng vài giờ đồng hồ.
Tôi gặp một người đi mộ tìm anh của mình. Tôi đi cùng với người này nhưng đã không tìm ra được vì có cả hàng ngàn ngôi mộ ở đây. Tôi nghĩ người này sẽ trở lại tiếp tục tìm kiếm. Chính quyền có sự thay đổi tích cực đã cho phép gia đình của những tử sĩ VNCH đến viếng và sửa sang các ngôi mộ. Tôi đoán sự thay đổi này là do áp lực từ phía người Việt hải ngoại và từ phía Mỹ.
Và một điều đáng ghi nhận là tôi thấy có rất nhiều trường Anh ngữ mọc lên ở Sài Gòn, có rất nhiều người học tiếng Anh kể cả trẻ em. Tôi hỏi anh tài xế tại sao lại học tiếng Anh mà không học tiếng Hoa vì tôi thấy Trung Quốc đầu tư vô VN rất nhiều. Anh tài xế trả lời rằng “Chúng tôi ghét Trung Quốc”. Tôi hỏi lý do vì sao thì anh tài xế nói “Vì lịch sử gần 1000 năm Bắc thuộc”. Và anh ta nhắc đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.
Qua 3 chuyến trở lại VN sau năm 1975, tôi thấy có những thay đổi mặc dù còn nhiều vấn đề bất cập.
Hòa Ái: Và người VN có chia sẻ với ông rằng họ cảm thấy vui mừng khi gặp lại những người Mỹ?
Ông Dan Southerland: Có. Khi người ta biết tôi là một phóng viên, họ nói chuyện rất cởi mở nhưng họ còn dè dặt. Năm 2013, mặc dù mọi người thân thiện nhưng vẫn còn nhiều người e ngại với công an vì sợ bị theo dõi. Tôi thấy buồn về điều này.
Tôi rất cảm kích tinh thần người VN vượt qua những mất mát, tổn thương sau chiến tranh để xây dựng lại quê hương của mình. Tôi nghĩ họ cần phải cởi mở hơn nữa đối với nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũng như về quốc gia.
Hòa Ái: Cảm ơn ông Dan Southerland dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài ACTD.
Ông Dan Southerland: Cảm ơn. Tôi rất xúc động khi chia sẻ những điều này.