12 March 2015

TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN ĐẦU TIÊN 1979 TẠI SYDNEY (Chít khăn tang, tuần hành im lặng)

* Quý Vị thích xem Video Hồi ký - Tin tức Cộng Đồng xin hãy nhấn ▼ 2 hàng Links dưới đây:
http://www.khangsydney.blogspot.com.au/
http://www.khanghuong.blogspot.com/
 Kính tặng bài viết này đến Quý Vị Đồng Hương và Chiến Hữu tại Úc Châu, cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm ấm lòng trong những năm đầu tiên định cư tại Úc, 1975 - 1980 đặt những viên đá lót đường trên công trình xây dựng Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu hùng mạnh ngày hôm nay, sau 40 năm Quốc Hận lưu vong (1975 - 2015)

Đặc biệt, thân tặng các Bạn Hậu Duệ VNCH để thêm tài liệu sống thực về sinh hoạt Cộng Đồng qua nhiều lĩnh vực trong những năm đầu tiên tại Úc.

Võ Đại Tôn



"Mẹ Việt Nam Ơi, Chúng Con Vẫn Còn Đây"
Thơ, Hoàng Phong Linh (Võ Đại Tôn) 2 Ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và Việt Dzũng trình bày.


Ông Võ Đại Tôn

5 NĂM ĐẦU TIÊN ĐỊNH CƯ TẠI ÚC CHÂU : 1975-1980.

Vì số trang giới hạn do Ban Biên Tập Kỷ Yếu 40 Năm Định Cư tại Úc đã ấn định, chúng tôi chỉ tóm lược lại một vài sinh hoạt tiêu biểu (Cộng Đồng, Cựu Quân Nhân, Kháng Chiến Phục Quốc) tại Sydney trong những năm đầu tiên có sự hiện diện của một số ít đồng hương tỵ nạn cộng sản từ các đảo qua định cư tại Úc. Qua những hình ảnh còn lưu giữ, mặc dù thời gian gần 40 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn có thể nhận diện được nhiều anh chị em một thời đã từng quỳ trước Bàn Thờ Tổ Quốc tuyên thệ dâng hiến đời mình cho Đại Nghĩa Phục Quốc, nhưng chúng tôi không dám nêu danh tánh vì chưa được phép, với nhiều lý do khác nhau.

Cũng từ thời gian đầu tiên này, cho đến nay vẫn còn có nhiều Vị hiện đang sinh hoạt trong Cộng Đồng, Đoàn Thể, hoặc còn sinh sống tại nhiều tiểu bang Úc Châu, nhưng chúng tôi không có cơ hội trực tiếp gặp gỡ để xin phép nêu danh trong bài viết ngắn này như là Nhân Chứng, kính mong thông cảm. Cũng xin cám ơn C/H T. Đ.T.T. đã cố gắng lục tìm lại vài tấm ảnh “ngày xưa” để giúp tôi kèm theo bài viết này.



TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN

Chúng tôi từ Mã Lai qua định cư tại Úc (Sydney) vào năm 1976. Vui mừng gặp lại Bác Sĩ LBH và đại gia đình họ Nguyễn (định cư tại Brisbane, tiểu bang QDL) đã từng chung sống với nhau tại đảo tỵ nạn Pulau Perhentian, Bắc Mã Lai. Lúc bấy giờ, đảng phái chính trị cầm quyền tại Úc không thuận lợi cho người Việt tỵ nạn cộng sản từ các đảo tại Đông Nam Á sau khi vượt biển tìm tự do xin định cư tại Úc, cho nên số lượng người Việt di tản được nhận vào Úc rất hạn chế, điều kiện xin nhập cư rất khó khăn.

Toàn nước Úc chỉ có vào khoảng vài ngàn người, chia khắp các tiểu bang, tương đối đông nhất là ở Sydney (NSW), Brisbane (QLD), Melbourne (VIC) và một số ít tại Perth (WA), Adelaide (SA). Sau này, với sự thay đổi đảng phái chính trị cầm quyền thuận lợi hơn, số lượng người Việt tỵ nạn được nhập cư vào Úc tăng dần lên theo thời gian.

Vào năm 1976 và những năm đầu tiên sau đó, tính đến năm 1980, riêng tại Sydney và vùng phụ cận, chưa có các thành phố đông người Việt tỵ nạn như Cabramatta, Bankstown, Canley Heights… như bây giờ. Không có một cơ sở thương mại, quán hàng, tiệm ăn nào của người Việt.

Tất cả người Việt tỵ nạn đều được đưa vào tạm cư tại các trại gọi là “Hostels” để học ngoại ngữ, tìm công việc làm ăn, chờ đoàn tụ gia đình, như các “Hostels” : Cabramatta, East Hills, Endeavours, Westbridge (Villawood)… Ra đường, thoáng thấy những người Á Châu “đầu đen da vàng” nào là chúng tôi vui mừng chạy đến hỏi thăm, nhưng thường bị ngỡ ngàng, “cụt hứng” vì chỉ gặp toàn là người Tàu.

Thậm chí tìm mua được một chai nước mắm, sản xuất tại Thái Lan, lâu lâu có bán ở Phố Tàu, Sydney, là cả nhà mừng reo như được của quý. Mùi vị quê hương. Chúng tôi bơ vơ như chim lạc đàn, bao nỗi niềm chất chứa trong lòng, từng đêm ác mộng. Đa số anh chị em lúc bấy giờ đều là thanh niên thiếu nữ trên dưới 20 tuổi (bây giờ, sau 40 năm, nếu còn gặp lại nhau thì đã ngoài 60, “phiêu bạt giang hồ” khắp nơi, nếu không còn sinh hoạt thì cũng chẳng còn nhớ tên nhau).

Chúng tôi không có “Cộng Đồng”. Chỉ có một số ít anh em tập họp lại để thành lập Hội Liên Hương (Liên Kết Đồng Hương - bầu anh N.A.T, làm Chủ Tịch. Anh N.A.T. đã qua đời từ lâu) và cố gắng phát hành một tờ báo hàng tháng là tờ Quê Mẹ để phân phối tại các “Hostels”. Không có tiền, chỉ in đượctờ bìa ngoài, còn nội dung bên trong là in “ronéo”, bỏ dấu chữ Việt bằng tay.

Chúng tôi phải chạy nhờ một cơ quan từ thiện mới quen là Hội Paulian Association ở Sydney giúp cho mượn máy in “ronéo” và cho giấy mực. Anh em chia nhau viết bài, bỏ đấu bằng tay, in ấn và phân phát. Món ăn tinh thần vô giá lúc bấy giờ.

Những ngày “làm báo” Quê Mẹ là thời gian quy tụ anh chị em chia nhau làm việc với phương tiện hạn hẹp nhưng đầy tình huynh đệ ấm lòng, ngày nào không được gặp nhau là nhớ mong chờ đợi. Chiều tối, anh em chúng tôi chia nhau vào các “Hostels” để thăm đồng hương, bắt đầu tổ chức những buổi sinh hoạt nhỏ, ca hát đấu tranh, gợi nhớ quê hương cội nguồn.

Những năm sau đó, một số anh em tập họp tại thủ đô Canberra để thảo luận việc thành lập Cộng Đồng chính danh, soạn thảo tuyên ngôn lập trường, nội quy, đặt nền móng cho việc xây dựng Cộng Đồng Người Việt Tự Do cho đến ngày hôm nay, từ Liên Bang cho đến Tiều Bang (Một số quý Vị hiện diện trong buổi họp đầu tiên này hiện vẫn còn sinh sống tại Sydney hoặc các tiều bang khác, một số vẫn còn sinh hoạt, có thể minh chứng sự kiện này, như quý Ông L.T.Q., Đ.V.T., …).

Cá nhân tôi tìm được nhiều việc làm mưu sinh dễ dàng ngay sau khi đến định cư tại Úc nhưng rồi cũng từ bỏ để lo việc đấu tranh toàn thời, xin hưởng trợ cấp xã hội tạm sống qua ngày. Qua giao dịch thường nhật, tôi quen biết với Luật Sư David Clarke (hiện nay là Thượng Nghị Sĩ Tiều Bang NSW) trong đảng Tự Do, thường sinh hoạt chung tại Phân Bộ Đảng Tự Do Trẻ tại Yagoona (NSW) và được giới thiệu đến Hiệp Hội Các Quốc Gia bị Cộng Sản chiếm đóng (Captive Nations Association) - gồm đa số di dân từ các nước như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba lan, Nga Sô, và các nước Đông Âu khác – và tôi được mời vào Ban Chấp Hành Trung Ương, đi thuyết trình các nơi về chiến tranh VN, về sự tàn ác của chế độ cộng sản VN, về các thảm nạn trên đường vượt biển tìm Tự Do… do Ông Lienko Urbanchich làm Chủ Tịch Hiệp Hội (đã qua đời).

Tôi được quen biết thêm nhiều Dân Biểu Nghị Sĩ đảng Tự Do, trong đó có Ông Philip Ruddock, từng là Bộ trưởng Tư Pháp, sau này. Cho đến ngày nay, các vị này vẫn còn hiện hữu và là bạn thân mấy chục năm qua của tôi.

Nhờ thân tình này, đảng Tự Do tại NSW, do LS David Clarke và Ông Lienko Urchanchich giới thiệu, đã tổ chức một buổi lễ trọng thể tại hội trường Bankstown để long trọng trao lại lá Quốc Kỳ VNCH nguyên thủy cho chúng tôi mà các ông ấy còn lưu giữ sau ngày mất miền Nam 1975. Đồng hương từ các trại tạm cư Hostels được chúng tôi hướng dẫn đi xe lửa, xe buýt (vì không ai có phương tiện di chuyển tư nhân) đến tham dự, khoảng mấy trăm người, cùng với di dân trong Hiệp Hội Captive Nations và đảng viên đảng Tự Do Úc. Trên sân khấu, có C/H ĐQH, và cá nhân tôi, tiếp nhận lá Quốc Kỳ VNCH, do LS. David Clarke trao lại.

Hội trường, đặc biệt là đồng hương tỵ nạn chúng ta, đồng loạt đứng dậy, có người bật khóc và cùng hát vang bản Quốc Ca VNCH. Một kỷ niệm vô cùng xúc động, nức lòng, trong thời gian định cư đầu tiên trên đất Úc. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn lưu giữ lá Quốc Kỳ VNCH này tại nhà Thờ Tổ của tổ chức đấu tranh LMQPVN.

Trở lại với các buổi tưởng niệm Quốc Hận đầu tiên. Trong các năm 1977, 1978, vì đồng hương tỵ nạn còn qua ít, sống tại các Hostels, và chúng tôi không có phương tiện hoạt động, chưa quy tụ được nhiều nhân sự, cho nên chỉ tổ chức tưởng niệm Quốc Hận như là sinh hoạt nội bộ tại các Hostels, mượn phòng họp của các trại tạm trú, chia sẻ tâm tình, làm quen nhau, và ca hát nhạc đấu tranh. Nhưng đến năm 1979, sau khi tôi đi Âu Châu và Hoa Kỳ trở về (phần 3 trong bài viết này), đã bắt đầu quy tụ được một số đông anh chị em cùng chung tâm huyết để có nhân sự hoạt động.

Vì muốn có chỗ hội họp thường xuyên và thuận lợi hơn là tại các Hostels, gia đình chúng tôi mượn tiền ngân hàng mở một quán cà phê nhỏ ở Cabramatta (báo chí Úc thường gọi là Saigonmatta lúc bấy giờ), trong một đường hẻm trên đường John St., cùng dãy với quán Cà Phê 86 và tiệm thịt quay Minh Tâm hiện nay. Đây là quán cà phê đầu tiên của người Việt tại Cabramatta, lấy tên là Quán Cà Phê Cu-Lỳ (tên gọi ở nhà của con trai tôi sinh tại Úc, 1978), bán cà phê phin, sách báo và băng nhạc cassette từ Mỹ gửi qua (lúc bấy giờ không có băng CD, DVD, như hiện nay).

Đây là nơi quy tụ anh chị em hàng ngày để thăm hỏi nhau và để hội họp bàn luận các chương trình sinh hoạt. Chúng tôi tự đóng bàn ghế trong quán. Cuối tuần, chúng tôi tổ chức tập dượt ca hát nhạc đấu tranh, cho đến khuya, ngồi chật cả quán trên sàn nhà, chia sẻ tâm sự cùng chung chí hướng, thương yêu nhau như trong một đại gia đình. Chúng tôi cùng thảo luận và quyết định tổ chức một buổi lễ tưởng niệm Quốc Hận công khai đầu tiên tại Sydney, chia nhau viết biểu ngữ, may cờ Vàng VNCH, và khăn tang trắng, kêu gọi đồng hương từ các trại tạm cư Hostels tham dự.

Buổi lễ tưởng niệm này là buổi “TUẦN HÀNH IM LẶNG” qua những đường chính tại thành phố Sydney, đặt bàn thờ Tổ Quốc tại công viên Hyde Park. Chúng tôi thông báo và xin Cảnh Sát Úc dẫn đường, giữ trật tự giao thông. Mờ sáng đúng ngày 30.4.1979, do sự hướng dẫn của anh chị em chia nhau phụ trách, đồng hương đi xe lửa tập trung trước tòa đô chính Sydney, đến địa điểm ai cũng chít khăn tang trắng, từ già đến trẻ em ngồi trên xe đẩy, tay cầm cờ (do một số chị em cặm cụi ngồi may tay suốt cả tuần lễ tại Hostels).

Dân chúng Úc hiếu kỳ đứng chật cả hai bên đường nhìn chúng tôi im lặng tuần hành, khoảng hơn 100 người, báo chí và truyền hình Úc đi theo làm phóng sự và quay phim. Hình ảnh thực sự cảm động ngậm ngùi, suốt đời chúng tôi không quên. Đây là lần đầu tiên người dân Úc bản xứ thấy một hiện tượng lạ lùng và xúc động như vậy.

Sau khi tuần hành qua các đường chính trong thành phố, chúng tôi tập trung tại công viên Hyde Park, thắp nhang trước bàn thờ Tổ Quốc, và giải thích cho người dân Úc cũng tò mò tập trung tại đây về ý nghĩa ngày Quốc Hận, và những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam, lý do chúng tôi phải bỏ nước ra đi tìm Tự Do và tiếp tục chiến đấu.

Tinh thần đồng hương và anh chị em chúng tôi dâng cao, với những ánh mắt nhìn ngưỡng phục và ủng hộ của người dân Úc bên đường. Nhìn lại hình ảnh cũ, thấy các em bé ngồi trên xe đẩy, đầu cũng chit khăn tang ở hàng đầu đoàn tuần hành im lặng, vẫn còn cảm thấy nao lòng. Lúc bấy giờ các em mới một-hai tuổi, bây giờ sau 40 năm, đã trở thành trung niên trên dưới 40 tuổi, không biết có còn nhớ kỷ niệm đẹp này không ? Và những anh chị tham dự tuần hành Quốc Hận đầu tiên này, mong rằng vẫn còn ghi nhớ trên hành trình đấu tranh còn lại, sau gần 40 năm lưu vong.


DIỄN HÀNH ANZAC DAY ĐẦU TIÊN TẠI SYDNEY (1979)

Khi đến định cư tại Úc vào những năm đầu tiên, chúng tôi được biết có cuộc diễn hành tại Sydney hàng năm vào ngày Anzac Day của Úc, 25.4., rất trọng thể qua các đường phố chính, gồm nhiều đơn vị quân đội tham dự. Chúng tôi nhờ các bạn Úc trong đảng Tự Do giới thiệu đến trực tiếp gặp Ông Sir Collin Hyes, Chủ Tịch Hiệp Hội Cựu Chiến Binh Úc để yêu cầu được tham dự như là một đơn vị cựu quân nhân VNCH đồng minh của Úc trong cuộc chiến VN. Lúc bấy giờ, vào những năm 1976-77-78, trong số đồng hương tỵ nạn sống trong các trại tạm cư – Hostels - số cựu quân nhân chúng ta rất ít.

Chúng tôi cũng chạy tìm các cựu chiến binh Úc đã từng tham chiến tại VN để mong có sự ủng hộ tinh thần đồng minh. Sau nhiều buổi họp rất gay cấn, có sự hiện diện của C/H ĐQH, Ông Collin Hyes và ban tham mưu chỉ cho phép chúng ta tham dự diễn hành như là một “toán nhỏ” đi chung với các đơn vị di dân khác, không được cầm cờ VNCH và không có biểu ngữ đi đầu.

Không khí các buổi họp này rất căng thẳng, nhiều lúc to tiếng cãi nhau, vì họ viện cớ là VNCH đã mất rồi, đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới, và cũng vì lẽ nước Úc lúc bấy giờ đang có bang giao thân hữu với cộng sản VN sau khi chiếm được miền Nam, trong chính phủ Úc có một số chính trị gia thiên tả, không muốn sự hiện diện công khai của chúng ta làm mất đi hòa khí ngoại giao với CSVN.

Nhưng sau nhiều lần hội họp, chúng tôi giải thích nhiều lý do chính đáng, nêu cao chính nghĩa của VNCH và danh dự của người cựu quân nhân QLVNCH, chúng tôi được chấp thuận thành lập đơn vị cựu quân nhân VNCH cùng đi diễn hành, riêng biệt, không hợp chung với các đơn vị Úc khác. Đấy là một tin mừng cho anh em chúng tôi.

Phần còn lại là lo quy tụ một số cựu quân nhân trong các trại tạm cư, lo nhờ các chị em may cờ Vàng VNCH, sơn bảng “Republic of Vietnam” (VNCH), mua sắm áo quần đồng phục (quần màu sậm, áo trắng dài tay, thắt cà-vạt đen, có gắn bảng tên, vì không có quân phục như bây giờ), và tập dượt diễn hành trước, tại sân trại tạm cư Westbridge Hostels (Villawood). Chúng tôi chỉ quy tụ được khoảng 25 anh em cựu quân nhân.

Đến ngày diễn hành Anzac Day, đơn vị chúng ta hiên ngang tiến bước, C/H. LQQ cầm đại kỳ VNCH đi trước, có bảng hiệu “Republic of Vietnam”, và 25 anh em nhịp bước theo nhạc quân hành. Dân Úc và một số đồng hương chúng ta đứng hai bên đường vỗ tay reo mừng khi thấy đơn vị VNCH đi qua. Báo chí và các đài truyền hình Úc quay phim, chụp ảnh, rất xúc động.

Sau khi cuộc diễn hành bế mạc, anh em chúng tôi được các cựu chiến binh Úc tại câu lạc bộ RSL Club ở Sydney mời vào uống nước, uống bia, bày tỏ tinh thần đồng minh thắm thiết, và có mời tôi nói chuyện thêm về cuộc chiến VN, về cuộc di tản tìm Tự Do của đồng bào VN. Đây là cuộc diễn hành Anzac Day đầu tiên tại Úc, khởi đầu cho những cuộc diễn hành tiếp theo suốt gần 40 năm qua của các Hội Cựu Quân Nhân VNCH sau này.


THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC ĐẤU TRANH ĐẦU TIÊN TẠI ÚC

Vào năm 1979, sau khi tôi đi Âu Châu và Hoa kỳ để cùng thành lập tổ chức Liên Minh Hải Ngoại Phục Quốc và Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc VN đầu tiên tại hải ngoại, trở về Úc thì số lượng anh chị em chiến hữu đấu tranh ngày càng tăng. Từ Khu Bộ Úc Châu-Tân Tây Lan của Liên Minh Hải Ngoại Phục Quốc, chúng tôi chuyển thành một tổ chức đấu tranh độc lập tại Úc Châu, với các đơn vị tại các tiểu bang, lấy tên chính thức là Lực Lượng Dân Quân yểm trợ Phục Quốc VN.

Ngoài các buổi lễ công khai đã được chính quyền Úc công nhận hợp pháp của tổ chức LLDQYTPQVN, chúng tôi có rất nhiều hoạt động về các lĩnh vực Văn Hóa, Văn nghệ Đấu Tranh, Chính Trị, Cộng Đồng, bắt nguồn cho sự lớn mạnh của Phong Trào Phục Quốc Hải Ngoại lúc bấy giờ. Các cuộc biểu tình chống cộng do anh chị em chúng tôi phát động đều được đồng hương nhiệt liệt tham dự và ủng hộ tinh thần. Tình chiến hữu trong tổ chức chúng tôi, có tuyên thệ trước bàn thờ Tổ Quốc, ngày càng thắm thiết, hội họp và hoạt động liên tục.

Chúng tôi còn lục tìm các tên tay sai cộng sản năm vùng, triệt hạ mọi tuyên truyền xuyên tạc, biểu tình đả đảo các tên cộng sản cầm đầu các phái đoàn ngoại giao của CSVN qua Úc thăm viếng chính thức. Chúng tôi còn đi thuyết trình trong các trường đại học Úc, tại các tiểu bang để kết nạp thêm chiến hữu đấu tranh, thành lập thêm nhiều đơn vị đặc biệt. Có thể nói, LLDQYTPQVN là tổ chức kháng chiến phục quốc đầu tiên tại Úc Châu và Tân Tây Lan.

Đến cuối năm 1980, cá nhân tôi từ giã gia đình và anh chị em chiến hữu cùng đồng hương, đóng cửa quán cà phê Cu-Lỳ, để lên đường từ Úc qua Thái Lan, băng rừng về lại quê hương tham gia kháng chiến phục quốc, qua ngã Hạ Lào, giữ trọn lời thề Tâm Nguyện.

TẠM KẾT

Trong dịp Tết Ất Mùi (2015) vừa qua, tôi có đến thăm Hội Chợ Tết do Cộng Đồng NVTD-NSW tổ chức, đông đảo đồng hương tham dự, tôi chợt thấy có một căn lều có mấy vị ngồi viết thư họa trên các thiệp Chúc Tết. Tôi im lặng đứng nhìn, lòng nhớ quê hương cội nguồn giữa tiếng cười vui rộn rã của hàng nghìn đồng hương các nơi tụ về, các em bé đùa chạy vui chơi, không khí thật tưng bừng náo nhiệt, như ngày Tết xa xưa trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Tôi cũng nhớ lại những năm tháng đầu tiên đến Úc, hơn 10 năm sống trong lao tù cộng sản Hà Nội, và qua hình ảnh các vị đang ngồi viết thư họa, tôi nhớ lại bài thơ “Ông Đồ” của thi sĩ tiền chiến Vũ Đình Liên (1913-1996) với mấy câu cuối : - Năm nay đào lại nở - Không thấy Ông Đồ xưa - Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ ?”… Cuộc chiến chống cộng vẫn còn tiếp diễn, mặc dù 40 năm đã trôi qua, trên hành trình còn lại, biết ai “còn” ai “mất” ?.

Xin cầu chúc Quý Vị và Quý Chiến Hữu bình an và thành công chung.

Võ Đại Tôn
Tết Ất Mùi – 2015
Úc Châu.
mid line Pictures, Images and Photos

* Đọc lịch sử Việt Nam, xem tin tức, nghe đài phát thanh và Audio tài liệu cập nhật mỗi ngày xin hãy nhấn vào các Websites dưới đây:
http://thamhoadomovie.blogspot.com/
http://www.vietvungvinh.com/
http://www.lyhuong.net/uc
www.huyenthoai.org
http://www.lytuongnguoiviet.com/
* Xem tiếp, xin hãy nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ màu xanh đen: < Newer Post, Home, > Older Posts ▼

Blog Archive