08 January 2016

Video tin tức và Mạng lưới Blogger Việt Nam tiếp xúc với đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ

* Quý Vị thích xem Video Hồi ký - Tin tức Cộng Đồng xin hãy nhấn ▼ 2 hàng Links dưới đây: http://www.khangsydney.blogspot.com.au/ http://www.khanghuong.blogspot.com.au/

* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.

Chiều ngày 8 tháng 1 năm 2016, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) đã có cuộc tiếp xúc với ông Garrett Harkins, tùy viên chính trị thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn để trình bày về tình trạng công an bắt bớ, đánh đập những người hoạt động nhân quyền, công đoàn - vi phạm những cam kết của nhà nước Việt Nam trong hiệp ước thương mại TPP về việc tôn trọng nhân quyền, hoạt động công đoàn độc lập.

Đại diện cho MLBVN có các blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Võ Trường Thiện (Nha Trang), Blogger- cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng), cựu TNCT Huỳnh Anh Tú (Sài Gòn) và blogger An Nam Dương Lâm (Đà Nẵng). Tham dự buổi gặp mặt còn có bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, người vừa bị bắt hôm 27.11.2015 với cáo buộc vi phạm điều 88 BLHS “tuyên truyền chống NN CHXHCNVN”.

Các blogger đã thông báo cho đại diện phía Lãnh sự quán Hoa Kỳ về mức độ vi phạm nhân quyền đang gia tăng nghiêm trọng trong thời gian gần đây, đặc biệt là tình trạng công an bắt giữ người tùy tiện và sử dụng bạo lực đối với những người đấu tranh ôn hòa. Các thành viên MLBVN đã nhấn mạnh đến các trường hợp của Blogger Nguyễn Ngọc Già (Nguyễn Đình Ngọc), Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng là những người bị bắt bớ chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách công khai, ôn hòa và cổ xúy cho các giá trị tự do, dân chủ.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng được thông báo về lịch trình xét xử 2 blogger Anhbasam Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đồng thời tỏ mối quan ngại công an sẽ như thường lệ đàn áp và bắt bớ những người đến dự phiên tòa được thông báo là xét xử công khai.

Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết họ rất quan tâm đến trường hợp Blogger Nguyễn Ngọc Già bởi ông là một trong những điển hình của nạn bắt giữ tùy tiện. Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc bị bắt ngày 27.12.2014 đến nay đã hơn 1 năm nhưng những thông tin về người tù lương tâm này hầu như vẫn là một ẩn số. Ông Harkins nói rằng ông rất cảm ơn MLBVN đã cung cấp cho ông những thông tin về Blogger Nguyễn Ngọc Già.

Đi cùng với các thành viên MLBVN, bà Nguyễn Thị Nay đã trình bày về trường hợp của con trai bà là anh Nguyễn Hữu Quốc Duy. Quốc Duy bị cáo buộc vì đã liên quan đến em họ của mình là Nguyễn Hữu Thiên An, người tham gia phong trào Zombie và đã bị bắt hôm 28.8.2015. Sau khi An bị bắt, chiều cùng ngày Quốc Duy cũng bị mời lên trụ sở công an làm việc và bị tạm giữ 2 ngày sau mới được thả. Sau đó Duy lại tiếp tục bị mời đi làm việc liên tiếp trong 7 ngày.

Kết thúc 7 ngày làm việc với công an, tưởng mọi việc đã kết thúc nhưng vào sáng ngày 27.11.2015, Duy lại bị mời lên trụ sở công an Cam Ranh để nhận lại giấy tờ, điện thoại và vật dụng cá nhân đã bị tạm giữ trong lần làm việc liên quan đến vụ việc Thiên An bị bắt giữ. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nay, cũng như những thông tin đã được cập nhật trên Dân Làm Báo thì khi mẹ của Duy vừa rời khỏi nhà (hôm 27.11) đã có hơn 10 người, đi trên 3 xe hơi đã ập vào nhà, quay phim và đọc lệnh khám xét.

Công an đã tiến hành thu giữ một laptop cá nhân của Duy tại nhà. Một công an đã thông báo miệng với gia đình rằng anh Duy bị bắt vì “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật vì tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88”.

Người thân và gia đình Duy không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc bắt giữ người ngoài lệnh miệng. Hai tuần sau khi con trai bị bắt, bà Nguyễn Thị Nay đã đến công an chất vấn, yêu cầu phải có các văn bản liên quan đến việc bắt Nguyễn Hữu Quốc Duy thì phía công an mới cung cấp cho bà giấy khám nhà và lệnh bắt.

Ông Harkins nói rằng bà Nay cần cung cấp các thông tin liên quan đến Nguyễn Hữu Quốc Duy để họ có thể giúp đỡ trong khả năng có thể. Ông cũng nói rằng chính sự im lặng của gia đình người bị bắt sẽ làm gia tăng mức độ nguy hiểm cho người thân của mình khi không được công luận biết tới và lên tiếng.

Đại diện MLBVN cũng trao đổi với đại điện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ về một số vấn đề liên quan đến TPP. Như làm thế nào để bảo đảm an toàn cho những người hoạt động ôn hòa trong tình trạng hiện nay, khi mà Việt Nam đã ký TPP. Các nội dung đàm phán TPP sẽ thực thi thế nào để đảm bảo các thành viên ở các quốc gia đã ký phải tôn trọng và thực thi nó...

Ông Harkins trả lời rằng TPP là 1 hiệp định về kinh tế nhưng đi kèm với nó là những ràng buộc về nhân quyền. Trong thượng viện Hoa Kỳ có khá nhiều các thượng nghị sĩ quan tâm đến vấn đề Nhân quyền của Việt Nam, và những thượng nghị sĩ này chắc chắn sẽ gây sức ép để phía Việt Nam tôn trọng nhân quyền như đã cam kết để có được TPP.

Việc nhà nước cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp, bắt giữ tùy tiện, vi phạm những hoạt động bảo vệ nhân quyền và sinh hoạt công đoàn độc lập sẽ khiến các thượng nghị sĩ quan Hoa Kỳ quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam lên tiếng và gây áp lực, tạo ảnh hưởng đến kết quả phê chuẩn của Quốc Hội Hoa Kỳ đối với TPP trong thời gian sắp tới. Đại diện lãnh sự quán nhấn mạnh rằng khi nhà nước Việt Nam đã ký kết TPP thì quan tâm theo dõi việc thực hiện các cam kết là việc mà Hoa Kỳ quan tâm.

Một câu hỏi liên quan đến tình hình đấu đá nội bộ đảng và các "phe phái" trong đảng cộng sản được các thành viên MLBVN đưa ra là thành phần nào trong đảng CSVN đang cố gắng gần Hoa Kỳ và thực sự muốn cải tổ. Trả lời câu hỏi này, đại diện phía Lãnh sự quán Hoa Kỳ nói rằng “thật khó để trả lời câu hỏi ấy. Tuy nhiên Dân chủ là một tiến trình lâu dài và rằng người dân Việt Nam phải biết mình đang cần gì và phải giành lấy”.

Kết thúc buổi gặp mặt, các thành viên MLBVN cùng ông Harkins chụp hình lưu niệm và nhắn gửi sẽ tiếp tục làm việc cũng như cập nhật thông tin đến với Hoa Kỳ bất cứ những vi phạm nào đã cam kết trong tiến trình thương thảo TPP.

Mạng Lưới Blogger Việt Nam

* Còn nhiều hình và chi tiết▼tại Link ► http://mangluoiblogger.blogspot.com.au/2016/01/mang-luoi-blogger-viet-nam-tiep-xuc-voi.html

Blog Archive