“ This is SBS Radio
The many voices of one Australia
Broadcasting in Vietnamese
Đây là SBS Radio
Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”...
Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi!
Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh. Nhục hình và nước mắt trải dài từ quê hương đến tận Biển Đông, đồng bào của tôi ơi, quê hương của tôi ơi, nghe thương vô cùng!
Đoạn đường 18 năm với SBS Radio đã cho tôi một hành trang khá nặng về truyền thông với biết bao kỷ niệm vui buồn mà dường như, quý thính giả ơi, tôi đã lại lên thuyền ra khơi lần nữa giữa muôn trùng sóng gió của nghề nghiệp. Trong khuôn khổ của bài viết nầy, chỉ xin ghi lại những sự kiện quan trọng, những diễn biến đáng nhớ trong chặng đường ấy...
Phỏng vấn ngày 22/4/1990 trong một Vocal Booth tại Radio 2EA ở Bondi Junction, Sydney, thuộc Hệ Thống SBS Radio. Kỹ thuật lúc ấy dùng reel-to-reel tape để ghi âm rồi edit bằng cách cắt và dán ráp.
1990, Một cuộc phỏng vấn lịch sử...
Chương trình đầu tiên trên SBS Radio trong vai trò cộng tác viên mà tôi không thể nào quên được đó là chương trình đặc biệt 30/4 kỷ niệm 15 năm ngày Thủ đô Sài Gòn thất thủ với cuộc phỏng vấn cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn sau thế chiến thứ 2 chưa được ghi nhận một cách công bằng, vai trò của Tổng Thống Thiệu chưa được đánh giá một cách khách quan, tuy nhiên tôi đã sử dụng cơ hội nầy để cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trình bày quan điểm của mình.
Qua đường điện thoại viễn liên Sydney - Paris ngày 22/4/1990, cựu Tổng Thống đã trả lời cuộc phỏng vấn nhân dịp Ông đến Pháp tham dự ngày Quốc Hận 30/4 của cộng đồng người Việt tị nạn tại đây. Người nhấc phone ở đầu dây bên kia là cựu Đại Tá Mai Văn Triết, sau khi hỏi qua về cơ quan truyền thanh SBS và về “lý lịch” của tôi khi làm việc ở Sài Gòn, ông chuyển máy lại cho Tổng Thống Thiệu.
Ông Thiệu đã trao đổi vài lời thăm hỏi với Ls Lưu Tường Quang, Tổng Giám Đốc Hệ Thống Phát Thanh toàn quốc SBS Radio của chính phủ Úc, trước khi trả lời cuộc phỏng vấn của tôi. Mười lăm năm sau ngày mất nước, ông đã im lặng trong khoảng thời gian dài đó và đây là lần đầu tiên ông lên tiếng ở hải ngoại. Điểm ghi nhớ nhất trong bài phỏng vấn là sau khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do mất nước, Ông đã nhận trách nhiệm mất nước nầy giống như người thuyền trưởng nhận trách nhiệm đắm tàu.
Cuối chương trình, Ông Nguyễn Văn Thiệu đã gửi lời “thăm hỏi đồng bào và anh em cựu quân nhân tại Úc” và ngỏ ý muốn tới Úc một chuyến để thăm lại đồng bào của mình, nhất là anh em cựu quân nhân. Giọng của Ông vẫn sang sảng, đỉnh đạc, gằn giọng mỗi lúc ngắt câu như ngày nào trên các Hệ Thống Truyền Thanh Truyền Hình quốc gia Việt Nam khi hiệu triệu đồng bào, quân nhân các cấp vào những ngày lễ lớn, những biến cố quan trọng hay trong không khí thiêng liêng của đêm Giao Thừa. Lập luận của Ông trong phần trả lời phỏng vấn trên SBS, 15 năm sau ngày mất nước, vẫn cay đắng như trong bài diễn văn từ chức trên Đài Truyền Hình Sài Gòn ngày 21 tháng Tư năm 1975 khi Ông lên án sự phản bội của “đồng minh” Hoa Kỳ và Ông đã rơi lệ, có lẽ vì phẫn uất cho thân phận nhược tiểu của Việt Nam chăng?
Trong tôi vẫn còn hình ảnh của Ông Bà Thiệu tại phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt hồi đầu tháng 4 năm 1973 khi phái đoàn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trở về Sài Gòn sau chuyến công du Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Richard Nixon và được Tổng Thống Mỹ đón tiếp trọng thể tại Western White House của Tiểu Bang nhà California (home state) vào ngày 2-3 tháng 4 năm 1973.
Tôi có mặt trong đoàn xướng ngôn viên của Đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa để trực tiếp phát hình về cuộc tiếp đón nầy. Khi phái đoàn của Tổng Thống Thiệu bước xuống phi cơ, Ông Hoàng Đức Nhã, Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi giới thiệu từng xướng ngôn viên với Ông Bà Thiệu. Bà nở nụ cười đôn hậu khi nhìn các xướng ngôn viên truyền hình trong chiếc áo dài hoa rực rỡ giống nhau như mặc đồng phục, do chính Bà trao tặng mỗi dịp Xuân về. Hình ảnh đó vẫn chưa phai mờ trong ký ức, thế mà đã 40 năm kể từ khi lịch sử sang trang!
Hậu thế và sử gia sẽ phân tích “công” và “tội” của các nhà lãnh đạo, riêng cựu Tổng Thống Thiệu, dưới lòng đất lạnh, xin ông hãy tan đi uất hận mất nước để làm một cuộc “trở về” như câu thơ của Tô Thùy Yên:
...Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này...”
1992, Những bước chân Việt Nam...
Đến Úc với bao ngỡ ngàng trước phong cảnh lạ, người lạ và ngôn ngữ mới, người Việt từ nay trở thành sắc dân thiểu số trên xứ người. Với tâm nguyện dấn thân cho cộng đồng, cho đồng bào mình - như đã từng có mặt trong Hội đồng Tư vấn Giám sát của Cộng đồ̀ng Người Việt Tự Do NSW, Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do NSW, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Sydney, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam... tôi mong ước đem lại cho đồng hương mình chút hơi ấm của quê nhà, chút niềm vui hội nhập và hiểu biết về quyền lợi, bổn phận trên quê hương mới khi tôi chính thức làm việc cho SBS Radio ngày 31 tháng 7 năm 1992.
Ban Việt Ngữ Sydney khởi đầu lúc ấy với 3 phát thanh viên Nguyễn Đình Khánh, Trần Hữu Trung và Ngọc Hân với chỉ 3 chương trình vào 3 thời điểm khác nhau trong tuần. Cả ba chúng tôi đều đã có kinh nghiệm phát thanh phát hình ở Việt Nam tại Đài Truyền Hình số 9 Sài Gòn, Đài Tiếng Nói Quân Đội, Đài Phát Thanh Tự Do FM. Bên cạnh phát thanh viên, Ban Việt Ngữ lúc ấy còn có các thông tín viên ở Hoa Kỳ như Thiên Ân (xướng ngôn viên/phát thanh viên của Đài Truyền Hình Sài Gòn, Đài Phát Thanh Sài Gòn, BBC và VOA), Phạm Long (phát thanh viên Đài Tự Do FM Sài Gòn), Đỗ Thông Minh ở Nhật, Hoàng Dung ở Nga, Nam Dao ở Nam Úc và Hoàng Nguyên ở Queensland. Hai cộng tác viên tại Sydney là hai nghệ sĩ tên tuổi từ khi còn ở quê nhà, đó là Điền Thanh và Bạch Lựu, phụ trách tiết mục Thiếu Nhi hàng tuần.
Về nghệ thuật, anh Điền Thanh còn biên soạn, cải biên và đạo diễn cho Ban Thoại Kịch Hoài Hương với các vở Bông Hồng Cài áo, Cuống Dưa Chưa Rụng, Đoạn Tuyệt, Xuân Thiên Đình Nghe Chuyện Táo Quân ... mang lại sự phong phú và đa dạng cho chương trình. Sự hiếm quý nầy như cánh hoa duy nhất nở giữa khu vườn nghệ thuật, làm cho thính giả say mê theo dõi, khóc cười theo các vai diễn mà diễn viên gồm tài tử lẫn chuyên nghiệp như Mỹ Linh, Ngọc Lan, Quang Kiệt, Tuấn Dũng, Thanh Phúc.
Có tham dự đóng kịch tài tử, được anh Điền Thanh và Bạch Lựu “huấn luyện” tôi mới thấy tài của đôi nghệ sĩ nầy. Làm “đào thương” thì khóc tương đối dễ nhưng làm vai “phản diện”, vai ác, vai độc thì cười khó lắm quý vị ơi. Trước khi diễn kịch, anh Điền Thanh đã “dợt” các diễn viên ngang xương nầy cười và khóc, chỉ bao nhiêu đó thôi mà cũng phải tập dợt cả mấy tuần, “pass” được phần nầy rồi ông đạo diễn mới cho thu âm. Có thể nói làm sống lại truyền thống “kịch nói” rất được ưa chuộng ở quê nhà trên Đài phát thanh SBS ở quê người là công lao và nỗ lực của Điền Thanh và Bạch Lựu, một điểm son đáng ca ngợi cho hai nghệ sĩ nầy.
Ban Thoại Kịch Hoài Hương tại phòng thu âm SBS Radio Sydney - 1996 - Vở Đoạn Tuyệt
Hàng ngồi từ Trái: Ngọc Hân, Cẩm Hường, Nam Dao (thông tín viên tại Adelaide), Bảo Phương/Trúc Quân, Bạch Lựu, Thanh Phúc.
Hàng đứng: Nguyễn Nhã, Điền Thanh, Bs Hoàng Nguyên (thông tín viên tại Brisbane), Thanh Trung, Hữu Lộc.
Năm 1993 khi thời lượng phát thanh của Ban Việt Ngữ đã tăng lên 7 tiếng đồng hồ rồi sau đó 14 giờ một tuần do 2 ban Sydney và Melbourne phụ trách, mỗi buổi sáng từ 9-10 giờ, buổi tối từ 7-8 giờ vào thời điểm ấy. Ban Melbourne gồm các đồng nghiệp Quốc Việt (Trưởng Ban), Phượng Hoàng và Thi Hùng.
Thính giả ở các tiểu bang khác, ngoài NSW và Victoria vẫn chưa nghe được chương trình Việt ngữ của SBS. Quý đồng hương đó đã gửi thư thỉnh nguyện về Đài để mong Ban Giám Đốc đưa tiếng nói của SBS đến Queensland, Tây Úc, Nam Úc, Tasmania, Lãnh thổ Bắc Úc và Lãnh thổ Thủ đô ACT. Ban Việt Ngữ chúng tôi cũng mong đợi đem tiếng nói phục vụ đồng hương “khắp 4 vùng chiến thuật”, không ra Trung hay về Hậu Giang được giống như ngày xưa bị kẹt đường vì tình trạng chiến tranh!
Ngày ngày những cánh thư từ phương xa vẫn bay về thăm hỏi, thúc giục, những tấm lòng vẫn chờ mong, những nỗ lực vận động vẫn không ngừng, những hy vọng vẫn vươn dài...
1994, Về miền viễn Tây - “Bích Câu Kỳ Ngộ”
Về Miền Viễn Tây - Perth: bản đồ tổ quốc Việt Nam tặng Ban Việt Ngữ SBS.
Hàng trước từ trái: Vũ Nhuận, Lưu Tường Quang - Head of SBS Radio, thính giả Tây Úc tặng bản đồ, Ngọc Hân, Raymond Motti - News Director.
Hàng sau: Rob Minshull - Program Manager, Peter Wall - Station Manager Sydney, Mike Zafiropoulos - Station Manager Melbourne.
Ngày 31 tháng 7 năm 1994, hệ thống SBS Radio phủ sóng trên toàn quốc Úc, từ trụ sở Trung Ương ở Sydney nay về tận miền “viễn Tây” là Perth xa xôi và Adelaide Nam Úc, rồi ngược Bắc đến Brisbane, lên tận Darwin Bắc Úc, vào năm 1996 xuôi Nam qua Canberra rồi ra tận Hobart của vùng hải đảo Tasmania. Từ nay người Việt trên toàn nước Úc cùng nhau nghe Bản Tin hàng ngày của SBS gồm tin Quốc Tế, tin Việt Nam và tin nước Úc, tiếp theo là Điểm Báo, điểm qua báo chí Úc châu trong ngày. Không kể phần Thời Sự hàng tuần, chúng tôi cũng thường xuyên có những Thời Sự đặc biệt khi có những diễn biến bất ngờ hay những sự kiện quan trọng trên thế giới, tại Việt Nam hay tại Úc.
Trong tiết mục Người Việt Khắp Nơi, thông tín viên mới tại Mỹ bây giờ là ca sĩ Bích Ngọc (trước đây cư ngụ tại Melbourne sau đó sang Mỹ sinh hoạt), sau đó là ký giả Kiều Mỹ Duyên, anh Lê Duy Cấn từ Canada và đặc biệt, nhà văn Ỷ Lan từ Pháp, chị tên thật là Penelope Faulkner, người Anh nhưng nói tiếng Việt giọng Huế rất sỏi. Cũng cần nhắc thêm những thông tín viên/cộng tác viên như “gió thoảng mây bay”, chỉ một hay vài lần cộng tác, đó là ca nhạc sĩ Việt Dzũng, Minh Phượng, Nguyễn Tường Tâm (phát thanh viên Đài VOA) và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Lúc gọi sang Sydney nói chuyện, Việt Dzũng “giao hẹn”:
“em tường trình cho SBS, còn chị tường trình cho Radio Bolsa của em nghe”. Hai bên cùng nhận lời “trao đổi tù binh” với nhau nhưng sau đó cả hai chị em cùng “lặn” một lượt. Tôi gọi mãi vẫn không gặp Việt Dzũng, cậu em còn “bán cái” việc tường trình cho Minh Phượng - cùng làm phát thanh viên Đài Bolsa ở Nam Cali với Việt Dzũng. Phần Ngọc Hân cũng tường trình cho Đài của Việt Dzũng một lần thôi rồi ... hai chị em cười trừ ... huề vốn, mỗi người đều bận rộn lo phát thanh cho Đài mình.
Thế nhưng Ngọc Hân muốn chia sẻ với quý thính giả, quý bạn đọc một câu chuyện tao phùng như Bích Câu Kỳ Ngộ vậy. Khi SBS Radio phát thanh toàn quốc, SBS TV có cuốn phim về người Việt mà một đạo diễn gốc Việt là anh Tăng Thiên Tài cư ngụ tại Perth Tây Úc làm editor cho cuốn phim nầy. Vì vậy chúng tôi có phần phỏng vấn anh Tăng Thiên Tài để giới thiệu cuốn phim đến thính giả.
Sau khi phát thanh bài phỏng vấn, một thính giả ở Brisbane biên thư về hỏi chúng tôi có phải Tăng Thiên Tài người xứ Quảng hay không, vượt biên năm ..., trước học ở..., vì ông không thể nào quên được giọng Quảng của người bạn nầy từ thuở thiếu thời. Sau khi Ban Việt ngữ chuyển thư đi tin lại, hai người bạn vong niên đã “gặp” lại nhau, tìm lại được nhau sau hơn mấy mươi năm xa cách. Thế là chương trình toàn quốc của SBS Radio đã nối lại tình bạn cho một người ở miền Đông Úc châu là Brisbane và một người ở miền viễn Tây xa xôi là Perth, cuộc trùng phùng kỳ diệu như Bích Câu kỳ ngộ.
1995, Thuế Vụ nhập cuộc với trực thoại truyền thanh
Anh Trần Hữu Trung với việc phát thanh là nghề tay trái, nghề chính thức của anh là luật sư cho nên anh phụ trách tiết mục Pháp Luật Phổ Thông của Ban Việt Ngữ dưới hình thức Hỏi Đáp trả lời các câu hỏi của thính giả gửi về. Anh vừa nghiêm túc trả lời vừa pha trò một cách dí dỏm duyêm dáng, thính giả rất ưa thích - lẫn ái mộ - tiết mục tối Thứ Sáu hàng tuần nầy.
Về sau chúng tôi sử dụng kỹ thuật trực thoại truyền thanh Talkback để thính giả trực tiếp gọi vào nêu câu hỏi với anh, ngoại trừ thính giả ở các tiểu bang Tây Úc, Nam Úc, Queensland, Bắc Úc, Tasmania vì khác biệt Giờ mùa Hè (Daylight Time Saving) thì Ngọc Hân phải đọc các câu hỏi gửi về.
Nhiều câu hỏi của thính giả trong tiết mục Pháp Luật Phổ Thông có liên quan đến Thuế Vụ, Hưu Bổng nên “ông Thuế Vụ” bắt đầu nhập cuộc vào chương trình Talkback và nhân viên của Tổng Nha Thuế Vụ đi tiên phong trên Đài SBS là anh Trịnh Hữu Lộc qua chương trình Việt ngữ, mở đường cho các Ban Ngôn Ngữ khác của SBS Radio cũng có phần trực thoại truyền thanh về Thuế Vụ.
Vì nhiệm vụ của một viên chức Sở Thuế, vì nhu cầu của thính giả mà cũng là khách hàng cuả dịch vụ, nhất là vì muốn phục vụ đồng hương mình trên xứ người, anh Trịnh Hữu Lộc đã không quản ngại đường xa, hàng tuần từ Melbourne bay lên Sydney, phát thanh xong lúc 8 giờ tối, ở lại thêm để trả lời cho thính giả qua điện thoại, sau đó lại bay trở về Melbourne trong đêm, đây là sự tự nguyện của anh chứ không tính vào giờ làm việc. Về sau có thêm nhân viên khác là anh David Ngô tăng cường cho tiết mục Thuế Vụ nầy trên SBS Radio.
Lúc nầy Ban Việt Ngữ nhận thư của thính giả rất nhiều từ khắp nơi trên nước Úc gửi về nhưng có thính giả “thầm lặng” rất đặc biệt, thỉnh thoảng biên thư về thăm hỏi hoặc gửi một vài bài thơ, gửi hình sinh hoạt làm thủ công nghệ hay nghề mộc, nhất là sau giờ phát thanh, chúng tôi thường nhận được điện thoại của một Warden (Giám thị trại giam) nói rằng có ông X muốn nói chuyện với cô. Anh X nầy hỏi thăm sức khoẻ của chúng tôi hoặc góp ý về chương trình phát thanh chỉ độ dăm ba phút thì người Giám Thị gọi lớn lên là đã hết giờ. Thế là dừng lại. Hẳn quý vị đã biết đó là những thính giả của Ban Việt Ngữ đang ở trong trại cải huấn. Những người nầy vẫn thường xuyên theo dõi chương trình của chúng tôi hàng đêm và cả ban ngày nữa, cho nên lòng chúng tôi thấy vui vui vì chương trình Việt ngữ đã mang lại phần nào khuây khỏa cho những cuộc đời ở sau chấn song.
Từ năm 2000 trở đi, chúng tôi được sự cộng tác của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc với các loạt bài như Tiếng Việt Tuyệt Vời, Văn chương và Ngôn Ngữ... và Giáo sư Trịnh Nhật với các loạt bài Anh Ngữ học mà vui, Ngôn ngữ và Dịch Thuật... Thính giả khen ngợi và rất thích thú trước các loạt bài biên soạn công phu, rất giá trị của hai vị nầy. Ngoài ra, sự cộng tác của cựu vô địch bóng bàn Lê Văn Inh qua tiết mục Bóng Bàn hàng tuần trên SBS Radio đã làm sống lại môn thể thao nầy trong giới người Việt tại Úc.
Chúng tôi không thể kể tên ra hết cũng như cảm tạ hết mọi sự đóng góp, cộng tác của rất, rất nhiều vị chuyên môn trong mọi lãnh vực nhưng xin được ghi nhận nơi đây sự đóng góp thường trực của Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình và Bác sĩ Phan Giang Sang đối với Ban Việt ngữ SBS Radio. Tiết mục Sức Khỏe Là Vàng là sáng kiến và hợp tác của Bs Liêu Vĩnh Bình và Hội Y Sĩ Việt Nam Úc châu, còn Bs Phan Giang Sang là “bác sĩ gia đình” của tiết mục Phụ Nữ và Gia Đình sáng Thứ Tư. Thính giả rất thích lối nói chuyện chơn chất hiền lành, ngồ ngộ vui vui của Bs Phan Giang Sang với những từ ngữ của người miệt vườn sông Hậu. Bởi thế nên tháng nào không có phần nói chuyện của Bs Sang thì có thính giả gọi vào Đài hỏi thăm và nhắc chúng tôi phỏng vấn...
Ban Việt Ngữ Sydney đến lúc nầy đã có Vũ Nhuận, Thái Hoà, Phan Bách, Trần Hữu Trung, Kiên Giang, Sơn Lâm, Hoàng Lan, Lâm Hoàng Hoa và Ngọc Hân (sau nầy được đồng nghiệp Minh Duy ở Melbourne “tăng cường”). Ngoài ra còn có các phát thanh viên casual là Hạnh Dung, Thành Quang và Thiên Dung nữa.
Hàng đứng từ trái: Kiên Giang, Thái Hòa, Trần Hữu Trung, Vũ Nhuận
Ngồi: Ngọc Hân, Hoàng Lan - Studio SBS 2001
Radiothon: nhộn nhịp người phone, tớ cũng phone...
Cũng như các cơ quan truyền thanh truyền hình tại Úc, SBS Radio thường xuyên gây quỹ cho các thảm họa thiên nhiên tại Úc như Cháy Rừng, Lũ Lụt, Bão tố hay từ thiện như Bệnh Viện Nhi Đồng, Hội Đồng Tị Nạn Úc châu hoặc thiên tai có tầm vóc thương vong và tàn phá vô cùng lớn lao đến nỗi cần có sự giúp đỡ quốc tế như Động Đất, Sóng Thần...
Các buổi Gây Quỹ trên radio mới nhộn nhịp và vui làm sao, vui vì người thiện nguyện đông, người gọi vào cũng đông và tiền nhận được cũng... đong đầy! Buổi Gây Quỹ radiothon đầu tiên của toàn thể các Ban Ngôn Ngữ của SBS Radio, chúng tôi “rầu” lắm, vì biết rằng cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng tị nạn còn non trẻ, đến đây với hai bàn tay trắng và làm lại cuộc đời từ đầu, không thể sánh được với các cộng đồng di dân đến Úc từ rất lâu và nay đã ổn định cuộc sống, nếu không nói là khá giả.
Dù thế Ban Việt ngữ chúng tôi cũng tận lực làm nhiệm vụ của mình, quảng bá dư luận rộng rãi và tha thiết kêu gọi thính giả đồng hương. Ấy thế mà chung cuộc thì cái cộng đồng tị nạn mới đến Úc hãy còn nghèo xơ kia lại về đầu về số tiền nhận được và số người gọi phone vào Đài! Mừng và cảm động vì tình người nồng ấm của cộng đồng người Việt, họ biết ơn chính phủ Úc đã mở rộng vòng tay đón họ vào đây nên mọi người đã của ít lòng nhiều, góp gió thành bão. Đồng hương mình chỉ tặng khoảng 20, 30 hoặc cao lắm là 50 Úc kim, có cụ già lấy tiền trợ cấp hoặc em bé trút ống heo cho 5, 10 đồng, thế mà mình lại về đầu, mới hay sức mạnh của góp gió thành bão là như thế.
Ngày Boxing Day năm 2004, một trận Động Đất khủng khiếp với cường độ 9.1 Richter dưới đáy biển Ấn Độ Dương thuộc Indonesia, kích hoạt các đợt sóng thần chết người cao đến 30 thước lan toả khắp vùng Nam Á, gây tử vong lớn nhất trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của 230 000 người thuộc 14 quốc gia. Khắp nơi trên thế giới đều gửi tiền và phẩm vật cứu trợ đến các nước bị tàn phá nặng nề nhất cùng các nước bị ảnh hưởng Sóng Thần Tsunami 2004 nầy. SBS Radio cũng nằm trong khuôn khổ cứu trợ của nước Úc nên đã tổ chức Radiothon gây quỹ trên toàn quốc với sự tham gia của 68 Ban Ngôn Ngữ của Đài.
Người tị nạn Việt Nam, những kẻ đã từng suýt bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc, suýt vùi thây dưới lòng biển lạnh nghìn trùng của Biển Đông, không thể nào quên được cuộc vượt thoát kinh hoàng đã trải qua, không thể nào quên được đôi tay nhân đạo của nước Úc đã cho mình một nơi chốn tạm dung nên không thể quay lưng trước thảm cảnh của người khác, dân tộc khác.
20 đường dây của số điện thoại viễn liên miễn phí đã liên tục reo, thiện nguyện viên của Quỹ Từ Thiện Vietnamese-Australian Buddhist Assistance Trust (VABAT) không ngừng tay được phút nào vì thính giả gọi vào liên tục, sự hưởng ứng ngoài mức dự liệu đến nỗi họ không chờ lâu được nên gọi qua 3 số điện thoại thường lệ của Ban Việt ngữ Sydney, thế là phải tăng cường thiện nguyện viên đến khu làm việc của Ban Việt ngữ để nhận điện thoại đóng góp cho buổi gây quỹ, tổng cộng là 23 đường dây nhận điện thoại!
Trong khi đó các thiện nguyện viên khác làm nhiệm vụ con thoi, mang những phiếu ghi tiền từ khu làm việc nầy trở lại phòng đang phát thanh gây quỹ Radiothon để cập nhật số tiền nhận được. Mọi người đi đi lại lại trông vui và náo nhiệt lắm, không khí phấn khởi vô cùng. Mỗi lần chúng tôi đọc số tiền vừa cập nhật thì các thiện nguyện viên reo lên vui mừng, thính giả đang nghe chương trình tại nhà có lẽ cũng vui theo những tiếng reo hò nầy.
Kết quả Radiothon của toàn hệ thống SBS Radio cho Tsunami 2004 là 1 triệu rưỡi, trong số nầy Cộng Đồng người Việt xuyên qua Ban Việt ngữ SBS Radio đã đóng góp 700 000 đô la tức là gần phân nửa tổng số tiền quyên góp của toàn Đài.
Outside Broadcast - Phát thanh trực tiếp ngoài trời
Khi Ban Giám đốc SBS Radio có sáng kiến mang studio ra khỏi trụ sở để phát thanh trực tiếp tại chỗ ngoài trời, vừa giới thiệu Đài phát thanh SBS đến quảng đại quần chúng vừa tạo cơ hội cho phát thanh viên và thính giả có dịp tiếp xúc, gặp gỡ nhau, thăm hỏi nhau đồng thời Ban Giám đốc và nhân viên có dịp lắng nghe ý kiến trực tiếp từ thính giả để cải thiện chương trình ngày một khởi sắc thêm lên và phù hợp với nhu cầu của thính giả đồng hương nhiều hơn. Những buổi phát thanh trực tiếp ngoài trời tức là Outside Broadcast - thường gọi tắt là OB, thật náo nhiệt, vui tươi và sống động vô cùng.
Như lời của đồng nghiệp Thi Hùng thuộc Ban Việt Ngữ Melbourne, người ta nô nức đến tham dự các buổi phát thanh ngoài trời là vì: “tò mò muốn xem mặt mũi xướng ngôn viên dài hay ngắn, cao hay thấp, mập hay ốm vv...” Ngoài điểm vui vui thường tình đó, thực sự thì thính giả đến để tham dự vào chương trình với Ban Phát thanh như các trò đố vui có thưởng, các cuộc thi quốc phục và tài năng của Thiếu Nhi, nghe các vị khách mời đặc biệt thuộc mọi lãnh vực chính trị, cộng đồng, nghệ thuật, ca nhạc tân cổ như các nghệ sĩ Thanh Hằng, Đăng Lan, Ngọc Hà, Mỹ Linh, Thanh Tâm và nhiều nghệ sĩ khác nữa hoặc giới trẻ đạt thành tích xuất sắc vv... Và trên tất cả những điều vừa kể, vẫn là tấm chân tình của quý đồng hương dành cho Ban Việt Ngữ nên thính giả đến gặp chúng tôi để ủng hộ, trò chuyện, tâm tình...
Ngoài ra thính giả còn muốn đến thưởng thức tài khéo léo nữ công gia chánh của Cô Quốc Việt trước đây và chị Bùi Thơm sau nầy. Chao ôi! có đến tại chỗ mới tận mắt nhìn những dĩa trái cây đủ loại bằng rau câu với những màu sắc trông thật bắt mắt, các thứ rau quả được cắt tỉa thật khéo léo thành những “lọ hoa” muốn “rinh” về nhà chiêm ngưỡng, đặc biệt Cô Quốc Việt nhân dịp Tết, đã làm một mâm trầu cau bằng rau câu, nhìn những lá trầu xanh, những quả cau non khéo ơi là khéo, thôi thì cũng đỡ nhớ nhà lúc Xuân về Tết đến. Có thính giả còn bảo rằng: tên của chị Bùi Thơm gắn liền với ngành ẩm thực, bởi nấu ăn đã “bùi” mà còn lại “thơm” nữa thì hợp với nghề quá rồi!
Phát thanh tại Hội Chợ Tết Cộng Đồng ở Warmwick Farm, NSW.
Từ trái: Thái Hòa, Phan Bách, Vũ Nhuận, Ngọc Hân, Hạnh Dung, Sơn Lâm.
Mỗi năm Ban Việt Ngữ Sydney phát thanh OB hai lần, một lần vào dịp Tết Nguyên Đán tại Hội Chợ Tết Cộng Đồng, có năm phát trực tiếp từ Chùa Phước Huệ, một lần vào dịp Tết Trung Thu tại Cabramatta, thủ phủ của người Việt tại tiểu bang NSW. Ngoài ra còn phải kể đến những chuyến “lưu diễn” phương xa như “hợp diễn” với các đồng nghiệp tại Melbourne, tại Brisbane, Adelaide, Canberra, Perth và còn xuống tận hải đảo Tasmania ở phía Nam nước Úc hay lên tận Darwin ở Bắc Úc nữa.
Điều đáng nói là nơi nào Ban Việt ngữ đến phát thanh, đồng hương mình tại nơi đó đều nhiệt tình mừng đón như gặp lại người quen cũ. Đến Hobart, thủ phủ cực Nam ở tận cùng nước Úc, ghé nhà hàng Việt Nam duy nhất, the Vietnamese Kitchen tại khu du lịch nổi tiếng Salamanca Place, thưởng thức món Laksa đặc biệt của chủ nhân, anh Tân và chị Oanh, để cảm nhận tình đồng hương nồng ấm giữa thành phố lạnh lẽo nầy. Lần đầu tiên đến đây, nghe đồng hương mình nói rằng: “ngày mai đi đất liền”, tôi ngẩn người ra vì mình đang đứng trên đất liền mà nhưng sau đó được nghe giải thích: “đi đất liền” tức là đi Melbourne - từ đảo đi vào lục địa. Thì ra đất liền nầy khác với chữ đất liền lúc vượt biên năm xưa khi chúng tôi lênh đênh giữa sóng nước muôn trùng của Biển Đông.
Hobart lạnh quá với người từ Sydney đến như chúng tôi, lạnh đến nỗi đứng phát thanh ngoài trời mà run lập cập, hai hàm răng “đánh bò cạp” và khi đi viếng cảnh nơi đây, trèo lên đỉnh núi Mount Wellington hay Kunanyi, theo tên gọi của người thổ dân tại Hobart, gió lạnh như nước đá (icy winds) và thổi mạnh đến không cần bước, người cứ bị đẩy bay về phía trước bởi tốc độ gió nơi đỉnh là trên 157 cây số /giờ, khi gió gật, lên đến 200 cây số/giờ.
Nhưng khi đến thủ phủ Darwin của vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, vùng chót mũi phía Bắc nước Úc thì khí hậu ngược lại. Mặt trời chiều nơi đây lớn chi lạ, đỏ hồng và to như ngọn lồng đèn đỏ treo chót vót trên nóc cao làm tôi chợt nhớ đến tên cuốn phim The Red Lantern. Khí hậu ẩm ướt và nóng rít vô cùng, mồ hôi nhễ nhại. Chính giữa con lộ là giải đất thon dài, trên đó là các loại hoa nhiệt đới như bông trang và nhiều bông khác nữa đã thấy ở quê nhà, nhiều cây chuối, cây xoài, cây mận và trái cây nhiệt đới khác mọc đầy đường không ai buồn hái lại càng không buồn lượm những trái rụng đầy dưới sân. Chính cái khí hậu ẩm ướt, nóng rít và trái cây nhiệt đới ở nơi đây làm tôi nhớ nhà nhớ quê vô cùng. Đứng ở đầu mũi phía Bắc nước Úc nhìn về phương Bắc, nghĩ đến quê hương mình cách một đại dương, lòng thấy nao nao...
Úc châu là một lục địa rộng lớn. Khi bay đi Darwin, chúng tôi thường ghé lại Brisbane hoặc đi Perth thì ngang qua Adelaide. Mỗi chuyến công tác phát thanh tại thủ phủ Queensland thì không thể quên được đồng bào tại Inala Qld và gặp lại bạn bè cũ như nhà báo Trần Châu, thông tín viên tại Bribane là bác sĩ Hoàng Nguyên, nhạc sĩ Hưng Ca - Cung Đàn Nguyễn Văn Sanh. Còn khi đến Adelaide, không thể nào quên được Làng Việt Nam ở Virginia SA, nơi có rất nhiều nông trại người Việt – một góc quê nhà trên xứ người. Nơi đây chúng tôi cũng gặp lại đồng bào mình và thông tín viên tại Nam Úc của Ban Việt ngữ là Nam Dao và phu quân chị là nhạc sĩ Phan Văn Hưng, đặc biệt còn có cộng tác viên Phi Hải, một giọng ngâm thơ tuyệt vời của Adelaide giống như Sydney cũng có những giọng ngâm thơ tuyệt vời khác như Đăng Lan, Thu Hường, Đào Thúy vv...
12/2003 - Cuộc biểu tình “dựng lại cờ trên nóc thành Quảng Trị”
Tháng 10 năm 2003, SBS TV đưa vào chương trình World Watch của Đài nầy, Bản Tin Thời Sự của Đài VTV4 Hà Nội để gọi là phục vụ cho cộng đồng người Úc gốc Việt, một cộng đồng tị nạn Cộng Sản! Sau mấy tuần lễ gặp gỡ, thảo luận với Ban Giám Đốc SBS TV, Cộng đồng Người Việt Úc Châu tổ chức hai cuộc biểu tình lớn trước trụ sở trung ương của Hệ Thống Truyền Thanh Truyền Hình Quốc Gia SBS – và lần thứ nhì đúng vào ngày Hội Đồng Quản Trị SBS đang có phiên họp ở bên trong - ngày 2 tháng 12 năm 2003. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử cộng đồng, quy tụ gần 12 ngàn người với rừng cờ vàng ba sọc đỏ trùng điệp, vây kín các con đường chung quanh trụ sở trung ương SBS ở Artamon, vùng Bắc Sydney.
Với chiến thuật “ngoại công nội ứng”, trận đánh nầy đã mang lại chiến thắng cho cộng đồng người Việt. Hội Đồng Quản Trị quyết định SBS TV chấm dứt phát sóng chương trình VTV4 và cờ đỏ sao vàng không còn nhởn nhơ xuất hiện trên màn ảnh truyền hình của SBS TV nữa giống như cờ đỏ nầy bị kéo xuống khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm cổ thành Quảng Trị, dựng lại cờ vàng uy nghi trên nóc thành xưa.
Những người năm xưa mà chúng tôi đã từng phỏng vấn, cộng tác hay quen biết nay đã trở về cùng cát bụi như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Hòa Thượng Thích Hộ Giác ở Mỹ, Hòa Thượng Thích Huyền Vi ở Pháp, Hoà Thượng Thích Tâm Châu ở Canada, Hòa Thượng Thích Phước Huệ ở Sydney, Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm ở Canberra, nhạc sĩ Phạm Duy, họa sĩ Lê Thành Nhơn ở Melbourne... Dòng đời như sóng xô ngàn trùng, đợt nầy chồng lấp đợt kia, những câu chuyện kể hôm nay sẽ đi vào kho lưu trữ, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm sau... bụi sẽ phủ đầy che mờ đi dĩ vãng. Ban Việt Ngữ SBS Radio biết có còn phát thanh bằng tiếng Việt nữa hay không hay sẽ giống như các Ban Do Thái, Ban Hoà Lan... phát thanh bằng tiếng Anh vào thời điểm chúng tôi làm việc hoặc phát thanh bằng hai thứ tiếng Việt và Anh?
Trong vai trò bảo tồn văn hóa và phát huy ngôn ngữ, chúng tôi mong đã đóng góp phần nhỏ vào việc học tiếng Việt của thành phần thế hệ thứ hai người Việt. Hẳn quý đồng hương còn nhớ vào giữa thập niên 1990, “bé” Tú Phương chỉ mới 3 tuổi rưỡi nhưng đã nhiều lần đoạt giải nhất các cuộc thi Thiếu Nhi, Tú Phương nói tiếng Việt, đọc thơ và ca hát trong những dịp chúc Tết hàng năm của chương trình Việt Ngữ. Ngọc Hân còn nhớ khi mời “bé” Tú Phương lên nhận giải thưởng, kêu réo nhiều lần trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh vì đang phát trực tiếp từ Hội Chợ Tết Cộng đồng thì được cha mẹ bé cho biết Tú Phương ca hát xong, đói bụng quá đang bú sữa! Ngày nay, Luật sư Tania Huỳnh Tú Phương là một MC duyên dáng song ngữ Việt-Anh trong nhiều sinh hoạt cộng đồng Việt Nam.
Thời gian cứ đều trải bụi mờ trên từng khoảng buồn vui của cuộc sống, có những giấc mộng ban đầu đã xa, có những vô thường trong cuộc nhân sinh phù du như thảo thượng sương, như hoa triêu lộ (sương buổi sớm trên cỏ, trên hoa, gặp ánh nắng thì tan ngay). Dù thế nào đi nữa thì những mảnh đời tị nạn Việt Nam vẫn đọng lại âm ba trên một chặng đường của SBS Radio và người Việt dù thế hệ đã qua hay thế hệ hôm nay và mai sau cũng không thể nào quên được một người tị nạn Việt Nam đã từng nắm giữ vai trò cao nhất của Hệ Thống SBS Radio (Head of SBS Radio), người đã quan tâm đến sự thiệt thòi của cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng nhỏ khác với thời lượng cũ của SBS, một thời lượng không phản ảnh đúng tình trạng của một cộng đồng mới định cư, có nguồn gốc không nói tiếng Anh, tỉ lệ thất nghiệp còn cao.
Với những yếu tố nầy, họ rất cần thông tin bằng tiếng mẹ đẻ để giúp cho tiến trình hội nhập sớm thành công, hài hòa vào xã hội mới. Vì thế mà chương trình Việt ngữ được tăng lên 7 ngày trong tuần, mỗi ngày 2 tiếng, sáng từ 9-10 giờ, tối từ 7-8 giờ đều đặn như thế. Người tị nạn Việt Nam mà chúng tôi muốn nói đến và trân trọng sự đóng góp của Ông cho những cộng đồng thấp cổ bé miệng, mới định cư, chưa có tiếng nói ở nghị trường - trong đó có cộng đồng Việt Nam, hưởng được sự công bằng, đó là Ls Lưu Tường Quang, Trưởng nhiệm Hệ thống Phát thanh toàn quốc SBS Radio từ tháng 7/1989 đến ngày 20/7/2006.
Và, cũng đã có những phát thanh viên đã mang hết tâm tư của mình để phục vụ cho một cộng đồng tị nạn cùng cảnh ngộ, đã chia sẻ lý tưởng nhân bản với một dân tộc bất hạnh suốt mấy ngàn năm bị đô hộ, chinh chiến điêu linh, đạn bom cày nát quê mẹ, đó là các anh chị em trong hai Ban Việt Ngữ SBS Radio Sydney và Melbourne...
Ôm tấm bản đồ Việt Nam trên tay mà tôi tưởng chừng như đang ôm trọn tổ quốc, đưa tay vịn bức dư đồ mà tưởng như đang vịn một mé bờ của giải đất bên kia bờ đại dương, ôi những bờ đất quê hương với hương mạ non thơm nồng, hương ngây ngây của đất và mùi hăng hăng của nước phù sa. Ngày lìa quê trong chiếc thuyền con giữa bóng đêm dày đặc, ngồi thu mình trong khoang thuyền tối đen không nhìn tỏ mặt người, không thấy gì chung quanh, chỉ nghe tiếng mái chèo khua đều trên nước thì biết mình đang xa dần... xa dần bờ đất quê hương, xa dần mẹ cha và những người thân yêu, xa dần nơi chôn nhau cắt rún, xa dần nơi chôn giữ thời thơ dại của mình. Lòng tôi thổn thức với bài hát Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người...
Thuyền qua xứ người mới đó mà đã 40 năm! Bài viết nầy như một lời cảm tạ Ban Giám đốc SBS Radio đã cho tôi cơ hội được phục vụ đồng bào tôi trên đất khách để sống một phần đời có ý nghĩa, xin cảm tạ các đồng nghiệp ở Sydney và Melbourne đã hỗ trợ và chia sẻ những buồn vui trên bước đường phục vụ và trên hết, xin tạ ơn tất cả đồng bào và cộng đồng của tôi đã thương yêu, giúp đỡ, ủng hộ, rộng lượng cảm thông để tôi có được hành trang ghi lại dấu tích của một đời tị nạn mà hôm nay đây, xin được đóng góp vào mốc điểm 40 năm tha hương của cộng đồng người Việt tại Úc...
Bốn mươi năm lưng đời đã nhọc
Lòng chở muộn phiền theo từng bước thời gian
Những ngày nắng ngậm ngùi
Những ngày mưa quạnh quẽ
Đêm sâu tràn cô đơn
Nghe gió hoang vu nửa đời trước
Lạnh lùng thổi xuống nửa đời sau
Rồi mơ “nước thanh bình ba trăm năm cũ” (*Chinh Phụ Ngâm)
Về lại quê xưa trong trẻo tiếng cười
Tìm lại tình người chơn chất chân quê
Ôi quê hương ngày ấy...
Tháng Sáu chim theo hoa mận trắng đậu hiên nhà
Thả bài tình ca qua vòm cây gió thổi
Mây trắng cuồn cuộn đuổi trời cao
Xa rồi ngày êm ả hoa nắng ngủ trên cây
Xin cho tôi đi lại từ đầu
Để thở hương thơm nồng đất mẹ
Để nghe oai linh dậy sông núi quê cha
Để thương vô cùng non nước của tôi ơi,
Hồn tổ quốc muôn đời trong trái tim Việt...
Ngọc Hân
(Trưởng Ban Việt ngữ SBS Radio Sydney, 1992-2008)
(Nguồn : Vietnamese Community in Australia/NSW Chapter - Kỷ Yếu 40 Năm Định Cư Người Việt tại Úc, 1975-2015. Sydney, 2015)
* Bức ảnh thứ nhất KH lầy từ Facebook (Xin lỗi KH không nhớ tên chủ nhân) http://danlambaovn.blogspot.com.au/http://nguoivietucchauonline.com/
http://vietnamese.org.au/vca/ http://vcavic.net/ http://hrrf.org/vietnamese/ http://www.radiotiengnuoctoi.com/