Cuốn phim "Ile de Lumière" về chiếc tầu được đặt tên là Đảo Ánh Sáng, đã cứu vớt hàng trăm ngàn boat people Việt Nam sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, 23H05 đêm thứ ba 20/02/2018.
Cuốn phim của điện ảnh gia Nicolas Jallot đã gây xúc động lớn khi trình chiếu trong Đại hội Quốc Tế Phim Ảnh Lịch Sử (Festival International du Film d’Histoire) tại Pessac (Pháp) tháng 11 vừa qua.
Trong 65 phút, cuốn phim đã thuật lại cuộc vượt biển hãi hùng của hàng triệu người Việt đi tìm tự do khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam VN.
Nhiều khán giả tại đại hội đã không cầm được nước mắt, nhưng cũng đã hãnh diện vì dân tộc Pháp, trong dịp này, đã bày tỏ tinh thần quảng đại, nhân đạo đáng cảm phục.
Nicolas Jallot nói, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Frnce Inter, có nưóc Pháp trước và sau Ile de Lumière. Trước Ile de Lumière, người Pháp thường chia rẽ, tranh cãi về mọi vấn đề. Ile de Lumière là trường hợp hy hữu tất cả xã hội Pháp đã ủng hộ hết lòng một chương trình nhân đạo.
Trước Ile de Lumière, nước Pháp chia ra hai phe, tả và hữu. Những gì phe tả ủng hộ, phe hữu chống, và ngược lại. Với Ile de Lumière, hai lãnh tụ trí thức, hai triết gia hàng đầu của Pháp, Jean Paul SARTRE, lương tâm của tả phái, và Raymond Aron, lương tâm của hữu phái, sau 30 năm bút chiến gần như hận thù, đã bắt tay nhau, vào điện Elysée để yêu cầu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đón nhận boat people.
Sartre trước đó đã từ chối giải Nobel văn chương, từ chối gặp gỡ bất cứ một chính trị gia nào bị ông ta cho là phản động.
Lần đầu tiên tất cả báo chí thuộc mọi khuynh hướng đều nồng nhiệt ủng hộ một chương trình nhân đạo. Trừ một bài báo rụt rè trên tờ L’Humanité của Đảng Cộng Sản Pháp, tờ báo vốn bênh vực người anh em Cộng Sản Việt Nam một cách nhiệt thành hơn, chỉ trích các đảng phái chính trị khác đã "lợi dụng một thảm kịch để bôi nhọ cuộc chiến đấu của người Cộng Sản VN.". Nhưng đó chỉ là tiếng nói trong sa mạc
Trước một phong trào nhân dân nhất trí chưa từng có, tổng thống Pháp đã quyết định đón nhận, giúp an cư lạc nghiệp cho 130.000 boat people, mặc dù chính sách của ông lúc đó là hạn chế tối đa di dân vì nước Pháp đang gặp khó khăn kinh tế và vấn đề di dân đã bắt đầu rắc rối trong xã hội Pháp.
Nicolas Jallot nói sau đó, nước Pháp đã đón nhận 300. 000 thuyền nhân, và họ đã hội nhập, thành công, đóng góp cho xã hội Pháp, không gây một vấn đề gì.
Nicolas Jallot là một điện ảnh gia, một tác giả chuyên về những vấn đề hậu Cộng Sản. Ông đã viết hàng chục cuốn sách và nhiều phim tài liệu về Nga, Đông Âu, nhất là giai đoạn sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Ông nói lần đầu, thực tế phũ phàng về thiên đường Cộng Sản đã đập vào mắt người Pháp. Trước đó đã có những tác phẩm tố cáo, như những tác phẩm của Soljénitsyne, nhưng không có gì gây ấn tượng mạnh hơn là những hình ảnh.
Mỗi ngày, trong mỗi gia đình, người ta theo dõi hoạt động của con tàu Ile de Lumière, không cầm được nước mắt trước địa ngục trần gian và hãnh diện thuộc một dân tộc đã đứng ra cứu vớt người tỵ nan.
Hình ảnh boat people lần đầu đến với người Pháp đầu tháng 11/ 1978 với phóng sự về tàu Hải Hồng, một con tàu chờ 2500 thuyền nhân bị chặn ở biển, không được phép vào hải phận Malaysia.
Hai ngàn 500 người đói khát, bịnh tật giữa trùng dương. Từ đó, các phóng sự liên tiếp trên các đài truyền hình nói về thảm cảnh của hàng triệu người Việt Nam bất chấp sóng biển, hải tặc cướp bóc, hãm hiếp đã vượt biển tìm tự do, chạy trốn một xứ sở mà trước đó báo chí thiên tả nói vừa được giải phóng.
Cả một thế hệ người Pháp, chứng kiến trực tiếp cuộc chạy trốn kinh hoàng của người Việt, đã coi như được chích ngừa vĩnh viễn giấc mộng "xã hội chủ nghĩa" kiểu Mars, Lénine.
Hình ảnh bi thảm của thuyền nhân tàu Hải Hồng đã khiến Bernard Kouchner, một "French doctor" nổi tiếng về những chương trình nhân đạo ở Phi và Á Châu, nghĩ đến việc tạo con tàu Ile de Lumière đi cứu vớt thuyền nhân lênh đênh ngoài biển cả.
Sáng kiến của bác sĩ Kouchner được cả nưóc Pháp ủng hộ, khởi đầu là các nhà trí thức, nghệ sĩ tên tuổi như Michel Foucault, André Gluckmann, Yves Montand, Simone Signoret.
Ile de Lumière đã tuần tiễu cả vùng biển Đông Nam Á để cứu, chăm sóc và định cư hàng trăm ngàn thuyền nhân, mở đầu cho nhiều con tàu khác, nhiều chương trình nhân đạo lớn lao khác.
Sau 1975, đã có hàng triệu người vượt biển. Ít nhất một phần ba đã bỏ mình trên biển cả.
Việc một đài truyền hình quốc gia chiếu một cuốn phim về thuyền nhân VN chứng tỏ, vói công luận thế giới, đó vẫn còn là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử cận đại.
Từ Thức
danlambaovn.blogspot.com
Tin tức từ Link ▼ * Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.