07 February 2018

Video tin tức Vụ án Ls Lê Đình Hồ có yếu tố chính trị hay không?

*   Quý Vị thích xem tin tức Cộng Đồng Video - Hồi ký ▼ xin hãy nhấn 2 hàng chữ màu đỏ ►     http://www.khangsydney.blogspot.com.au/   http://www.khanghuong.blogspot.com.au/

  Hình chụp trên báo Daily Telegraph, Australia  

Video: LS. Lê Đình Hồ không hài lòng với tấm plaque "Thank You Australia" của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu gắn gần “Tượng Đài Thuyền Nhân” tại Saigon Place, Bankstown (Nơi có nhiều người Việt cư ngụ)

Ông đã la lớn ngoài đường gây bất bình cho người Úc đi ngang. Lý do ông LS đưa ra là: Nước Úc phải cám ơn, chứ Cộng Đồng Việt Nam không cần cám ơn! (vì ông ấy đã đóng thuế cho Úc rồi! ▼

Tại sao Ông LS. Lê Đình Hồ không bằng lòng?!

* Video clip lúc 10 giờ sáng thứ Ba, ngày 8 tháng 12. 2015. Bà Emily Forrest, Project Manager của Bankstown Council đã cho tiến hành việc gắn tấm plaque “Thank you Australia” do Cộng Đồng NVTD Úc Châu NSW đã trao tặng tại Lễ Hội Văn Hoá, đánh dấu 40 năm người Việt tị nạn định cư tại Úc ▼

  Vào ngày Thứ ba 23/01/2018, một vụ án mạng xảy ra ngay tại trung tâm thành phố Bankstown gây chấn động khắp nước Úc cũng như cộng đồng người Việt tại Úc và khắp hải ngoại. Sát thủ ra tay nổ súng ngay trong thanh thiên bạch nhật tại một khu phố nhộn nhịp có đông người Việt cư ngụ vào thời điểm có đông người qua lại. Nhưng cái sốc lớn nhất là nạn nhân không ai xa lạ mà là Ls Lê Đình Hồ – một khuôn mặt khá quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại Úc.

Vào năm 2010, Ls Hồ đại diện cho Phillip Nguyễn trong vụ bố ráp dẫn đến cái chết của cảnh sát viên Bill Crews. Phillip Nguyễn bị tuyên án 12 năm tù vì tội ngộ sát. Trước đó, Ls Hồ đại diện cho Gs Nguyễn Thuyên kiện báo Tivi Tuần San trong một vụ kiện phỉ báng bắt đầu từ năm 2002 mà tới năm 2006 mới có phán quyết. Trong sinh hoạt cộng đồng, Ls Lê Đình Hồ là Cố Vấn Pháp lý cho tờ báo Saigon Times và cũng phụ trách trang luật pháp phổ thông của tờ báo này.

Câu hỏi mà tất cả mọi người đều đặt ra là lý do tại sao một người có vị thế nổi bật trong cộng đồng lại bị hành quyết một cách thảm hại như vậy? Có một vài giả thuyết đã được đưa ra. Thứ nhất, cảnh sát cho biết Ls Hồ chuyên về luật hình sự và có nhiều thân chủ là tội phạm hình sự thuộc dạng băng đảng có tổ chức.

Có thể Ls Hồ có xung đột hoặc mâu thuẫn với một thân chủ nào đó dẫn đến sự kiện này. Doug Humphries, Chủ Tịch Hiệp Hội Luật Sư NSW phát biểu rằng các luật sư chuyên về luật hình sự hoặc luật gia đình có lúc phải đối diện với hiểm họa nghề nghiệp. Luật sư không chọn lựa thân chủ nhưng nếu Ls Hồ bị giết vì hành nghề luật sư thì đó là một điều đáng lo ngại. Ông Humphries cũng cho biết là Hiệp Hội Luật Sư sẽ mau chóng bổ nhiệm nhân viên quản lý tiếp quản hồ sơ và tiền trong trương mục tín thác của Ls Hồ để các thân chủ không bị thiệt thòi.

Trạng sư Terry Luckman, người đã làm việc chung với Ls Hồ trong 20 năm qua cho biết ông thật là đau đớn và bàng hoàng vì không chỉ quan hệ nghề nghiệp mà với ông, Ls Hồ cũng là một người bạn. Chỉ mới 2 ngày trước, Ls Hồ có liên lạc nói chuyện và nhờ ông giúp chuẩn bị giùm một đơn hình sự nộp với tòa. Lúc đó, Ls Hồ không thổ lộ bất cứ mối đe dọa nguy hiểm nào với ông.

Báo Sydney Morning Herald cũng nêu ra vấn đề là đặc quyền bảo mật thông tin giữa luật sư và thân chủ (legal professional privilege) có thể sẽ cản trở tiến trình điều tra án mạng này. Quyền này dựa trên nguyên tắc là hệ thống công lý chí có thể vận hành hữu hiệu khi thân chủ có lòng tin tuyệt đối là những thông tin bí mật mà họ cho luật sư biết sẽ không bị ép tiết lộ ra ngoài.

Hơn nữa, luật sư chỉ có thể tư vấn một cách đúng đắn và đầy đủ khi nắm vững mọi sự kiện liên hệ. Đây là quyền của thân chủ chớ không phải là của luật sư và do đó vẫn tiếp tục ”sống” ngay cả sau khi luật sư qua đời.

Quyền bảo mật thông tin sẽ được áp dụng nếu hội đủ 3 yếu tố. Thứ nhất là có một mối quan hệ luật sư và thân chủ. Có nghĩa là luật sư đang có bằng hành nghề và đại diện cho thân chủ trong một hồ sơ hoặc vụ kiện nào đó. Thứ hai là thông tin hoặc văn kiện phải có tính bảo mật chẳng hạn như thư từ trao đổi giữa luật sư và thân chủ. Các văn kiện ví dụ như council rate hoặc bill điện thoại mà thân chủ đưa cho luật sư thông thường không có tính bảo mật. Hồ sơ bệnh lý hoặc giấy khai sinh là những văn kiện có tính bảo mật.

Và thứ ba là thông tin hoặc văn kiện đã được tạo ra với mục đích chính là để luật sư tư vấn pháp lý cho thân chủ hoặc để sử dụng trong một vụ kiện đang hoặc sắp xảy ra. Những chuỗi điện thư mang tính xã giao hoặc thông tin hướng dẫn tổng quát sẽ không được bảo vệ.

Nguyên tắc này có 3 trường hợp ngoại lệ. Thứ nhất là thông tin trao đổi giữa luật sư và thân chủ hoặc văn kiện soạn ra trong tiến trình phạm pháp sẽ không được bảo vệ. Ví dụ như khi thân chủ nhờ luật sư soạn kế hoạch hoặc văn kiện dùng để tẩu tán tài sản hoặc trốn thuế. Thứ hai là trường hợp lừa đảo ví dụ như làm giấy ủy quyền với chữ kỷ giả để tước đoạt tài sản người khác.

Thứ ba là lạm dụng một quyền lợi nào đó. Ví dụ như ký đơn xin tiền trợ cấp với chứng từ giả mạo. Nguyên tắc bảo mật cũng không còn áp dụng một khi thân chủ tiết lộ thông tin bảo mật, ví dụ như gửi thư hoặc văn kiện cho người thứ ba mà không phải là luật sư của mình.

Cũng nên nói rõ là tuy luật sư phải trung thành và phục vụ cho quyền lợi của thân chủ gồm có bổn phận bảo mật thông tin, nhưng luật sư còn có trách nhiệm cao hơn và tối thượng đối với tòa là phải thẳng thắn và không được lừa dối tòa. Khi biết thân chủ của mình cố tình gian dối với tòa thì luật sư phải rút lui khỏi vụ kiện.

Vào cuối tuần qua, báo The Australian có đăng tin là cảnh sát đã thu thập một số văn kiện và danh sách thân chủ từ văn phòng của Ls Hồ. Không biết là văn kiện gì nhưng danh sách thân chủ có lẽ không có tính bảo mật. Thứ nhất đó là văn kiện của riêng Ls Hồ chớ không thuộc về thân chủ nào. Thứ hai, không thể nói là danh sách đó đã được làm ra vì hoặc để phục vụ cho thân chủ trong tiến trình tư vấn pháp lý hoặc kiện tụng. Thông thường, luật sư nào cũng có danh sách thân chủ để tiện tìm hồ sơ cũng như trong việc liên lạc dễ dàng với thân chủ.

Giả thuyết thứ hai về vụ án này liên quan tới xã hội đen. Một số bài báo tường thuật cho rằng Ls Hồ mang nợ chồng chất và chủ nợ thuộc băng đảng xã hội đen. Báo cũng cho biết là vào tháng 3 năm 2017, công ty Ledinh Lawyers Pty Ltd của Ls Hồ đã ngưng đăng ký với ASIC trong 6 tháng. Theo lời khai của nhân chứng, sát thủ là một người gốc Đảo Quốc (Pacific Islander).

Trước khi nổ súng, sát thủ không có lời nào trao đổi với nạn nhân và sau đó bỏ chạy và bước lên xe chờ sẵn trốn mất. Rõ ràng đây là một vụ án có tổ chức và chuẩn bị kỹ. Điều khó hiểu là các sát thủ chuyên nghiệp thông thường làm việc một cách kín đáo. Đằng này thì mọi việc xảy ra công khai. Không biết là tổ chức chủ mưu có muốn gửi một thông điệp nào chăng?

Giả thuyết thứ ba được Nhà báo Hữu Nguyên nêu ra với báo Daily Mail Australia là có liên quan tới yếu tố chính trị. Ông Hữu Nguyên là chủ bút báo Saigon Times đã đình bản (báo giấy) từ năm 2010. Chỉ còn lại trang mạng hoạt động giới hạn, thỉnh thoảng có đăng một vài bài viết. Trả lời báo Daily Mail Australia và sau đó bằng bài viết của chính mình, ông Hữu Nguyên xác nhận khi vụ án xảy ra thì ông đang ngồi uống cà phê với Ls Lê Đình Hồ và ông “VMC”.

Chính Ls Võ Minh Cương Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/UC và Cựu Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang UC và NSW đã xác nhận là ông có mặt tại hiện trường. Cũng theo lời của ông Hữu Nguyên thì mục đích của cuộc họp ”cà phê” là vì ông Hữu Nguyên muốn yêu cầu Tổng Hội Cựu Quân Nhân rút lại một thông báo nào đó. Ngoài ra, ông cũng nói với Daily Mail là “có một mạng lưới tình báo cộng sản tại Úc. Họ ghét tôi và ghét ông ta (Ls Hồ)”.

Tờ Saigon Times được nhiều người trong Cộng Đồng cho là có đường lối và phong cách chống Cộng cực đoan. Thật ra, những người sinh hoạt lâu năm và có hiểu biết trong Cộng Đồng không đặt vấn đề với quá khứ của ông Hữu Nguyên là một bộ đội hồi chánh từ miền Bắc. Nhưng đa số bất mãn vì những bài báo có tính công kích cá nhân hầu hết các vị Chủ Tịch Cộng Đồng Liên Bang và Tiểu Bang cùng với một số vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo và các đoàn thể đấu tranh. Có lý tưởng và lập trường đấu tranh chống Cộng là một điều tốt.

Nhưng phong cách cực đoan thường không giúp được gì mà chỉ tạo thêm nghi kỵ, gây chia rẽ nội bộ làm suy yếu Cộng Đồng dẫn đến thiệt hại cho công cuộc đấu tranh. Trong sinh hoạt cộng đồng nói chung, những người thật sự có tâm và có thiện chí đóng góp và xây dựng thì sẽ thẳng thắn trình bày quan điểm của mình một cách ôn hòa và tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác.

Nhưng cũng có một vài thành viên trong cộng đồng có quan điểm cực đoan và thái độ quá khích, luôn muốn áp đặt ý kiến của mình và bắt buộc người khác phải chấp nhận. Thay vì sử dụng lý lẽ nhẹ nhàng để thuyết phục thì họ lại nặng nề công kích cá nhân, thậm chí đôi lúc buông lời quy chụp đối với những người bất đồng quan điểm.

Nếu giả thuyết của ông Hữu Nguyên đưa ra là đúng thì đó là một diễn tiến rất đáng lo ngại cho Cộng Đồng. Vào 20 năm trước, vụ án chính trị John Newman tại Cabramatta đã có tác động lớn đến đời sống và sinh hoạt của Cộng Đồng người Việt tại Úc. Không lẽ Cộng Đồng lại phải đối diện với một vụ án chính trị thứ hai tại Bankstown? Nhưng nếu cộng sản muốn bịt miệng một tờ báo chống Cộng thì tại sao không nhắm vào chủ bút mà là Cố Vấn Pháp Lý? Rồi còn ông Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Quân Nhân có mặt ngay tại hiện trường?

Nhà cầm quyền CSVN chắc chắn biết được vợ và các con nhỏ của Ls Hồ đang có mặt trong nước. Tại sao họ không bắt giữ để uy hiếp nếu họ thật sự ”ghét” Ls Hồ?. Ông Hữu Nguyên cũng nêu giả thuyết là có thể là cộng sản giết Ls Hồ để “cảnh cáo” hoặc “dằn mặt” ông.

Nhưng ông Hữu Nguyên có thật quan trọng đến vậy hay không? Một tờ báo mạng hoạt động khá hạn hẹp có đáng để cho nhà cầm quyền CSVN mướn sát thủ gây chấn động khắp cả thế giới hay không? Hoặc chấp nhận rủi ro ngoại giao với Úc còn hơn cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức? Dù sao đi nữa, cho tới bao giờ cảnh sát tìm được bằng chứng rõ ràng thì không thể loại được bất cứ giả thuyết nào.

Ls Lê Đình Hồ sinh năm 1952 tại Quảng Trị là vùng đất khô cằn sinh ra những người con hiếu học. Vào ngày 30/4/1975, Ls Hồ là sinh viên luật năm thứ 4 cùng khoá với Ls Nguyễn Văn Thuần ở Đại Học Xá Minh Mạng. Theo lời kể của người anh ruột Lê Đình Bì, Giám Đốc Đài Truyền Hình Việt Today San Jose, Ls Hồ vượt biên tới Úc vào năm 1981. Gia đình ông tổng cộng có 9 anh em. Tất cả đều ở Mỹ và chỉ có Ls Hồ là định cư tại Úc. Vào năm 1993, ông Lê Đình Bì có sang Úc sinh sống trên 13 tháng để cùng vời Ls Hồ phát hành tờ báo Công Luận (Public Opinion). Nhưng tờ báo chỉ sống được 6 tháng rồi phải đình bản.

Vào năm 1994, Ls Hồ xuất bản quyển sách đầu tiên là “Tự Điển Phân Giải Chính Trị và Bang Giao Quốc Tế”. Một thập niên sau, ông xuất bản quyển sách thứ hai mang tựa đề “Tự Điển Luật Pháp Anh Việt – Việt Anh” dày 1881 trang. Tuy không hoàn hảo nhưng hai tác phẩm này là những đóng góp vào kho tàng kiến thức chính trị, bang giao quốc tế và luật pháp cho Cộng Đồng người Việt hải ngoại.

Ls Hồ đi học lại và lấy bằng Cao Học Chính Trị và Cử Nhân Luật sau khi vượt biên tỵ nạn tới Úc khi đã gần 30 tuổi, chứng tỏ một tinh thần và ý chí hiếu học mãnh liệt. Trong 3 đứa con với người vợ trước thì hai cô con gái lớn cũng tốt nghiệp và hành nghề luật sư, thể hiện yếu tố di truyền tinh thần hiếu học của Ls Hồ. Trên phương diện nghề nghiệp, có một vài người cho biết là Ls Hồ sẵn sàng giúp tư vấn và đại diện cho họ mà không đặt nặng vấn đề thù lao.

Ls Hồ cũng từng là một thành viên tích cực thường xuyên tham dự các phiên họp và sinh hoạt Cộng Đồng. Tuy nhiên, phong cách trình bày quan điểm một cách mạnh mẽ của ông không được lòng nhiều người. Trong một buổi sinh hoạt gây quỹ cho Chiến Sĩ Lý Tống tại Nhà hàng Crystal Palace vào năm 2006, Ls Hồ được mời lên phát biểu về một quyển sách mà tác giả tặng cho Ban Tổ Chức trong chương trình gây quỹ.

Không biết ông phê bình các tướng lãnh VNCH thế nào mà ông đã làm cho một số cựu quân nhân rất là tức giận đến nỗi đại diện Ban Tổ Chức phải ngỏ lời xin lỗi. Vào cuối năm 2015, một clip xuất hiện trên Facebook quay lại cảnh Ls Hồ tranh cãi với một phụ nữ lớn tuổi người Úc về tấm bảng ”Thank You Australia” do CĐNVTD/NSW thực hiện tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân (chỉ cách tiệm Happy Cup vài bước nơi Ls Hồ bị bắn) thu hút nhiều lời phê bình và chỉ trích thậm tệ.

Đúng là trong một xã hội tự do, dân chủ thì tất cả mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến dù cho đó là ý kiến khác thường hoặc trái nghịch với số đông. Nhưng phong cách mạnh bạo của Ls Hồ khi tranh luận với một người phụ nữ lớn tuổi đã tạo ấn tượng không tốt về văn hóa ứng xử của ông khiến nhiều người chê trách.

Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là mối quan hệ của Ls Hồ với Saigon Times. Đại đa số các thành viên lãnh đạo BCH/CĐ cũng như các hội đoàn, đoàn thể dị ứng với Saigon Times vì phong cách cực đoan và quy chụp của tờ báo. Lẽ ra, một nhân tài như Ls Hồ đã có thể đóng một vai trò lãnh đạo quan trọng trong Cộng Đồng. Trong một bài phỏng vấn đăng trên mạng hồi tháng 9 năm ngoái mà ông Hữu Nguyên là người đặt câu hỏi, Ls Hồ trả lời rằng:

”chúng tôi tin tưởng khẳng định NGAY KHI MỚI NGOÀI 20 TUỔI, TRẦN KIỀU NGỌC ĐÃ ĐƯỢC VT TUYỂN CHỌN VỀ VN HUẤN LUYỆN, TRỞ THÀNH NỮ CÁN BỘ TUYÊN HUẤN, ĐỂ RỒI RA HẢI NGOẠI, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CỦA CSVN: ĐÓNG VAI ĐỐI LẬP CUỘI NHẰM THỦ TIÊU ĐỐI LẬP THẬT.”

Vì lời cáo buộc này mà Ls Hồ đã bị một số người trên cộng đồng Facebook chỉ trích nặng nề vì họ cho rằng nêu ra một cáo buộc nghiêm trọng như vậy mà chỉ dựa vào lập luận hoặc suy diễn từ một vài sự kiện mà không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào thì không xứng đáng với cương vị của một luật sư.

Vào ngày 31/01/2018, trang mạng Saigon Times có đăng bài viết mang tựa đề “Vì sao LS LĐH không theo Nghị Sĩ Lê Phước Sang về VN?” trong đó có đoạn: Trích: “Cái chết của LS Lê Đình Hồ là do Việt Cộng gây ra, mặc dù không có bằng chứng cụ thể. Ngay cả “xã hội đen” cũng do bàn tay Việt Cộng!” Đánh giá sự nguy hiểm của VC và VT, ông cũng một lần nữa sáng suốt xác nhận: “…giống như nhà báo Kiêm Ái khẳng định “Việt Tân là em Việt Cộng” thật là chính xác. Nhưng theo tôi, Việt Tân nguy hiểm hơn Việt Cộng, vì còn có nhiều người tị nạn cộng sản cứ tưởng Việt Tân chống Cộng. Không! Việt Tân đã bị Việt Cộng dùng làm tay sai rồi!” (hết trích).

Một lần nữa, Saigon Times ngang nhiên vu khống và chụp mũ một hội viên đoàn thể của CĐNVTD/NSW là tay sai cộng sản mà không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Tuy là quan điểm của một người viết nhưng khi đăng báo thì dù là báo giấy hay báo mạng thì tờ báo đó cũng phải chịu trách nhiệm.

Dù sao đi nữa thì Ls Đình Hồ cũng là một người Việt tỵ nạn có lý tưởng chống Cộng đã bị hành quyết một cách công khai và thê thảm bỏ lại một người vợ trẻ thứ hai cùng với 3 đứa con nhỏ dại. Chúng ta hãy cảm thông và chia sẻ với gia đình của Ls Lê Đình Hồ vì không có ai đáng phải gánh chịu một tai hoạ bi đát đau thương tột cùng như vậy.

Hy vọng là cảnh sát sẽ sớm tìm ra câu trả lời để gia đình có thể khép lại một biến cố đau buồn. Và cũng hy vọng là sẽ không có người nào lợi dụng cái chết tức tưởi của Ls Lê Đình Hồ để khai thác và tạo thêm nghi kỵ gây chia rẽ trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại Úc.

Ls. Nguyễn Văn Thân

Tin tức từ Link ▼ * Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.

  LUẬT PHỈ BÁNG (DEFAMATION LAW) TẠI NAM ÚC  

1. Mục đích Của Luật Phỉ Báng:

Đạo Luật Phỉ Báng Được Quốc Hội Nam Úc thông qua vào cuối năm 2005 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2006, cùng thời điểm với các đạo luật phỉ báng có nội dung tương tự tại các tiểu bang và lãnh thổ trên toàn nước Úc. Tuy nhiên, khi phân xử các vụ kiện liên quan đến luật phỉ báng, Tòa Án vẫn luôn dựa trên nền tảng vững chắc của các án lệ Thông Luật đã được Tối Cao Pháp Viện (High Court of Australia) và Tòa Thượng Thẩm Nam Úc (Supreme Court of South Australia) cũng như tại các tiểu bang khác. Một trong những mục đích chính của Luật Phỉ Báng là tạo sự cân bằng giữa việc bảo vệ uy tín (reputation) và quyền được tự do ngôn luận (freedom of speech) của người dân.

2. Các Yếu Tố Cần Thiết Mà Đương Đơn (Plaintiff) Cần Phải Chứng Minh:

2.1. Phát hành (Publication): Đây là yếu tố đầu tiên mà đương đơn cần phải chứng minh trong một vụ kiện phỉ báng. Phát hành một vấn đề phỉ báng (defamatory matter) được xem là đã xảy ra khi có một người thứ ba nghe hoặc đọc được nội dung của vấn đề phỉ báng đó. Yếu tố phát hành sẽ không được thiết lập nếu chỉ có đương đơn là người duy nhất được biết đến hành vi phỉ báng. Ví dụ: Người A không thích người B và đã viết thư mạ lỵ người B.

Người A chỉ gởi thư hoặc email đến người B mà không ‘Cc’ đến bất cứ ai. Trong trường hợp này, người B sẽ không chứng minh được yếu tố phát hành. Tuy nhiên, người B vẫn có thể báo với cảnh sát nếu nội dung lá thư đó có những lời đe dọa làm cho người B lo sợ đến sự an toàn của bản thân hoặc gia đình mình. Người B vẫn có thể trực tiếp xin án lệnh Tòa vĩnh viễn cấm người A không được liên hệ trực tiếp với người B (Intervention Order).

2.2. Nêu Đích Danh (Identification): Đây là yếu tố thứ 2 mà đương đơn cần phải chứng minh. Theo án lệ từ vụ Hulton v Jones, để có thể thành công trong vụ kiện, người bị phỉ báng phải chứng minh rằng cá nhân họ đã bị nêu đích danh hoặc bị ám chỉ một cách khá rõ ràng mà một người bình thường có thể nhận ra nạn nhân bị phỉ báng đó là ai.

2.3. Nội Dung Phỉ Báng (Defamatory matter): Phỉ báng là hành động nhục mạ người khác, là sự bôi nhọ hoặc tấn công danh dự của một cá nhân hoặc một nhóm người bằng những lời mạ lỵ, vu khống vô căn cứ. Trong vụ án Parmiter v Coupland, Tòa Án phán quyết rằng, một người vi phạm tội phỉ báng khi người đó cố tình gây tổn thương danh dự của một người khác và làm cho người đó bị thiên hạ chê bai (A publication which is calculated to injure the reputation of another and intends to hold him up to ridicule). Hành vi phỉ báng có thể thực hiện bằng lời nói hay bài viết phổ biến trên TV, radio, báo chí, website, email, facebook, twitter và các phương tiện truyền thông khác.

Khi cân nhắc nội dung của một ‘vấn đề phỉ báng’, Tòa Án thường áp dụng những phương cách sau đây: a. Một người bình thường khi nghe hoặc đọc sẽ hiểu gì về nội dung của ‘vấn đề phỉ báng’ đó (natural and ordiary meaning);

b. Khi ‘vấn đề phỉ báng’ có nội dung mập mờ, liệu một số người khác khi nghe hoặc đọc có thể hiểu được tính chất phỉ báng của vấn đề không (true innuendo);

c. Ý định hoặc sự sai sót trong cách nói hoặc viết của bị cáo không quan trọng và không ảnh hưởng đến cách diễn dịch nội dụng. Ví dụ, người A, sau khi cho đăng một bài viết có nội dung phỉ báng đến người B, lên tiếng thanh minh rằng: ý của người A không phải vậy. Lời giải thích đó sẽ không có giá trị luật pháp.

3. Ai Sẽ Là Bị Cáo (Defendant) – Tác Giả Hay Tòa Soạn? Khi tác giả gởi một bài viết mang nội dung phỉ báng (về một người khác) đến một tòa soạn, hành động này được xem là đã hội đủ yếu tố ‘phát hành’ cho dù tòa soạn quyết định không cho đăng bài viết đó. Trong trường hợp bài viết đó được đăng tải (cho dù qua hình thức cậy đăng hay miễn phí), thì cả tác giả lẫn tờ báo đều có thể bị kiện về tội phỉ báng. Điều này đã được tòa án giải thích rõ trong vụ kiện Webb v Bloch và đã trở thành một án lệ rất quan trọng.

Ví dụ: người A viết bài mạ lỵ người B, tờ báo C sợ bị kiện nên yêu cầu người A cam kết chịu trách nhiệm về nội dung bài viết. Trong trường hợp này, sự cam kết nêu trên chỉ có giá trị luật pháp giới hạn giữa người A và tờ báo C mà không ảnh hưởng gì đến quyền pháp định của người B (là nạn nhân của sự phỉ báng). Điều này có nghĩa là người B vẫn có quyền kiện cả người A và tờ báo C để xin bồi thường thiệt hại.

4. Facebook, Twitter và Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội khác (Social Media): Vào năm 2002, Tối Cao Pháp Viện Úc đã thiết lập một tiền lệ rất quan trọng trong vụ kiện giữa Dow Jones and Company Inc v Gutnick rằng việc phát hành một vấn đề phỉ báng qua Internet cũng được đối xử tương tự như các phương tiện truyền thông khác.

Vào năm 2013, Chánh Án Elkaim của Tòa Trung Thẩm (District Court) ở New South Wales đã đưa ra phán quyết trong vụ kiện Mickle v Farley rằng bị cáo là ông Farley phải bồi thường một số tiền là $105,000 cộng thêm án phí cho đương đơn là bà Mickle về sự thiệt hại mà các lời phỉ báng của ông ta đăng trên Facebook và Twitter gây tổn thương danh dự của đương đơn.

Trước khi đưa ra phán quyết đó, Chánh Án Elkaim cũng đã ít nhiều suy xét sự ăn năn hối lỗi của bị cáo trong việc nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và rút lại những lời bình luận có nội dung phỉ báng ra khỏi Facebook và Twitter. Nếu bị cáo không nhanh chóng thực hiện những hành động giảm thiểu thiệt hại đó, số tiền bồi thường có thể đã cao hơn nhiều. Chánh Án Elkaim cũng đưa ra nhận định rằng:

“Khi cho phổ biến nội dung phỉ báng trên các phương tiện truyền thông xã hội, ai cũng có thể hiểu rằng, những điều phỉ báng này có thể phát tán nhanh ….. Mức độ hiểm độc là sự lan truyền nhiều hướng từ người này sang người khác do hậu quả của loại truyền thông này. "When defamatory publications are made on social media it is common knowledge that they spread… Their evil lies in the grapevine effect that stems from the use of this type of communication."

5. Việc Chuyển Tiếp (Forward) Một Email Hoặc Chia Sẻ (Share) Thông Tin Có Nội Dung Phỉ Báng Trên Facebook. Tuy không phải là tác giả, nhưng nếu người A chuyển tiếp một ‘vấn đề phỉ báng’ qua email hoặc ‘share’ trên Facebook, người A vẫn có thể bị kiện bởi nạn nhân của sự phỉ báng đó.

6. Trong Trường Hợp Nào Thì Người Bị Kiện Có Thể Bào Chữa Cho Hành Động Của Mình? Chương 4 của Đạo Luật Phỉ Báng định rõ các trường hợp người bị kiện có thể dựa vào để bào chữa cho hành động phỉ báng của mình. Xin tóm lược dưới đây một số điều khoản bào chữa thường được áp dụng:

6.1. Nói lên sự thật (justification/contextual truth): Bị cáo có quyền bào chữa hành động của mình trên căn bản: nói lên sự thật, nhưng trách nhiệm chứng minh (onus of proof) thuộc về bị cáo, là người đưa ra lời cáo buộc có nội dung phỉ báng. Một ví dụ: Người A cáo buộc người B đã lừa đảo và lấy tiền của người khác. Nếu sự thật đúng như vậy và người A có thể đưa ra đầy đủ bằng chứng về những điều cáo buộc đó, chẳng hạn như danh sách của những người bị lừa đảo và chi tiết về hoàn cảnh của sự lừa đảo đó, thì người A sẽ không bị kết tội phỉ báng. Tuy nhiên, nếu người A không thể đưa ra các bằng chứng nêu trên mà chỉ dựa vào tin đồn vô căn cứ hoặc nghe người khác nói thì người A sẽ phạm tội phỉ báng.

6.2. Đặc quyền tuyệt đối (absolute privilege): Những lời phát biểu ở quốc hội hoặc trong các phiên tòa, dù có nội dung phỉ báng vẫn được luật pháp bảo vệ. Điều này giúp cho các dân biểu, nghị sĩ được tự do phát biểu ở quốc hội mà không sợ bị kiện tụng (parliamentary privilege). Tuy nhiên, nếu một dân biểu hoặc nghị sĩ lập lại những lời phát biểu có nội dung phỉ báng bên ngoài quốc hội, thì đặc quyền tuyệt đối sẽ không được áp dụng. Trong vụ Beitzel v Crabb, một dân biểu bị đưa ra tòa về tội phỉ báng vì đã phát biểu trên một đài phát thanh rằng: “Tôi vẫn nghĩ những gì tôi đã nói ở Quốc Hội là đúng sự thật”.

6.3. Phát hành các tài liệu công cộng (public documents): Điều khoản 26 của Đạo Luật Phỉ Báng cho phép người dân và các cơ quan chính phủ phát hành các tài liệu công cộng mà không bị kết tội phỉ báng. Tài liệu công cộng là các tài liệu ‘publicly available’ mà bất cứ ai tại Úc đều có quyền xem hoặc yêu cầu chính phủ cung cấp.

Một ví dụ: Người A đăng báo nêu đích danh người B đã từng bị phá sản. Nếu chi tiết của người B được liệt kê trong danh sách của những người đã từng bị phá sản tại Úc (National Personal Insolvency Index - NPII), và có thể tìm thấy tại địa chỉ https://www.afsa.gov.au/brs/search, thì người A sẽ không bị kết tội phỉ báng.

6.4. Đặc quyền nhất định trong việc cung cấp thông tin (qualified privilege for provision of certain information): Điều khoản này thường được các cơ quan truyền thông áp dụng trong việc tường trình các buổi họp quốc hội hoặc các phiên tòa mà công chúng có nhu cầu cần biết. Những trường hợp khác được bảo vệ dưới điều khoản này gồm có việc báo cảnh sát về một hành vi nghi ngờ, việc thảo luận các vấn đề của chính phủ v.v.

6.5. Nêu lên các ý kiến thành thật (honest opinion): Mục đích của điều khoản này là bảo vệ quyền tự do nêu lên ý kiến của người dân đối với các vấn đề có tính chất công chúng (matter of public interest), chẳng hạn như quyền phê bình các nhân vật công chúng. Tuy nhiên, nếu ý kiến nêu lên có ác ý (malice) nhằm tấn công danh dự người khác, thì bị cáo sẽ không thể dựa vào điều khoản này để bào chữa cho hành động của mình. Ý kiến đưa ra phải dựa trên 3 căn bản sau đây:

6.5.1. Chỉ là ý kiến chứ không phải là minh xác một sự kiện (an expression of opinion rather than a statement of fact); và (chứ không phải ‘hoặc’)

6.5.2. Ý kiến đó có liên quan đến quyền lợi công chúng (the opinion related to a matter of public interest); và

6.5.3. Ý kiến đó được dựa trên cơ sở dữ kiện hẳn hoi (the opinion is based on proper material). Ngoài ra bị cáo còn có thể dựa vào các điều khoản khác của Đạo Luật để bào chữa cho hành động phỉ báng của mình.

7. Bồi Thường Thiệt Hại: Điều khoản 7(2) của Đạo Luật Phỉ Báng cho phép nạn nhân phỉ báng tiến hành thủ tục kiện tụng cho dù chưa có bằng chứng về mức độ thiệt hại do hậu quả của việc phỉ báng gây ra. Điều khoản 33 của Đạo Luật giới hạn số tiền bồi thường cho sự thiệt hại không liên quan đến kinh tế (non-economic loss) là $381,000.00 (áp dụng từ ngày 1/07/2016). Ngoài ra, nạn nhân phỉ báng cũng có thể xin bồi thường về các khoản bồi thường (không giới hạn) khác chẳng hạn như thiệt hại kinh tế (economic loss), án phí và các chi phí liên hệ.

Một ví dụ: Người A đăng trên Facebook vu khống bác sĩ B có trình độ yếu kém hoặc không có khả năng điều trị bệnh nhân. Hậu quả là bác sĩ B mất nhiều bệnh nhân và thất thoát kinh tế mỗi năm lên đến $300,000.00. Nếu người A, không thể chứng minh được những điều cáo buộc trên là đúng sự thật, thì người A có thể bị Tòa Án yêu cầu bồi thường bác sĩ B các khoản tiền sau đây:

1. Một số tiền lên đến $381,000.00 cho thiệt hại tổn thương tinh thần;

2. Một số tiền lên đến hàng triệu Úc Kim cho thiệt hại kinh tế (tùy theo mức tuổi của bác sĩ B);

3. Án phí và các chi phí liên hệ. Trước khi tiến hành thủ tục kiện tụng, nạn nhân nên gởi thông báo (concerns notice) trực tiếp đến tác giả hoặc cơ quan truyền thông liên hệ (hoặc cả hai) nêu rõ vấn đề phỉ báng và yêu cầu họ bồi thường thiệt hại, đưa ra lời xin lỗi (apology) hoặc đính chính nội dung phỉ báng. Nếu sau 28 ngày, vẫn không nhận sự hồi đáp, nạn nhân có thể tiến hành thủ tục kiện tụng.

8. Bị Cáo Nên Làm Sau Khi Nhận Thông Báo Liên Quan Đến Việc Kiện Tụng Phỉ Báng? Điều khoản 36 của Đạo Luật cho phép Tòa Án cứu xét các nỗ lực của bị cáo trong việc giảm thiểu thiệt hại do hành động phỉ báng của mình gây ra, chẳng hạn như:

1. Đưa ra lời xin lỗi đến nạn nhân bị phỉ báng; hoặc

2. Đính chính nội dung phỉ báng. Sau khi nhận thông báo nêu trên từ nạn nhân, bị cáo cũng có thể nhanh chóng đưa ra một đề nghị giải quyết vụ án kiện tụng chiếu theo điều khoản 15 của Đạo Luật, nhằm giảm thiểu số tiền bồi thường và án phí mà bị cáo sẽ phải đối diện một khi hồ sơ kiện tụng đã chính thức nộp ở Tòa Án.

Trên đây là những thông tin luật pháp tổng quát, muốn biết thêm chi tiết quý vị nên thảm khảo ý kiến luật sư của mình.

Ls Mai Thành Đức

Nam Úc

Blog Archive