Blogger Lê Thanh Tùng bất ngờ được trả tự do vào ngày hôm qua, 29/6/2015 theo quyết định Đặc xá của chủ tịch nước.
Ông Lê Thanh Tùng bị bắt tháng 12 năm 2011 và bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế theo điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước”. Sau thời gian tạm giam, ông Tùng bị đưa tới Trại giam số 5, Thanh Hóa, nơi từng giam giữ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Trước khi đọc quyết định đặc xá, phía trại giam đã yêu cầu ông làm đơn xin được đặc xá. Tuy nhiên ông Tùng đã khảng khái từ chối và trả lời sẵn sàng ở lại trại giam mà không cần đặc xá. Không thuyết phục được ông Tùng làm đơn xin đặc xá, công an trại giam đành đích thân chở ông Tùng về lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày.
Xe trại giam đưa ông Lê Thanh Tùng từ nhà tù Thanh Hóa đến thẳng Ủy ban xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn để làm “thủ tục bàn giao” với chính quyền địa phương. Tại đây, ông Tùng vẫn từ chối ký vào bản cam kết “không vi phạm pháp luật sau khi trở về địa phương” do phía chính quyền soạn sẵn.
Làm việc với “chính quyền địa phương” từ 20 giờ mười lăm phút tới hơn 22 giờ ông Tùng mới được về nhà.
Theo bản án đã tuyên, ngày 1 tháng 12 năm 2015 ông Lê Thanh Tùng mới mãn hạn tù.
Việc thả TNLT Lê Thanh Tùng trước thời hạn phải chăng là một trò xoa dịu tâm lý, dọn đường cho chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 7 tới?
30/06/2015
Với đoàn diễn viên hùng hậu, lên đến gần 100 người, chương trình Vinh Danh và Tri Ân do tổ chức BPSOS thực hiện vào chiều Thứ Sáu 19 tháng 6 tại Kennedy Center đã tạo nhiều xúc động và cảm hứng nơi 900 quan khách tham dự.
Mặc dù chương trình bắt đầu lúc 8:00pm, từ 6:30 giờ chiều quan khách đã lục tục đến. Nhiều người đi theo phái đoàn từ các thành phố, tiểu bang và quốc gia khác nhau. Từng nhóm một, họ chụp hình lưu niệm trong đại sảnh trải thảm đỏ và ngoài sân thượng nhìn ra giòng sông Potomac thơ mộng. Các bà, các cô người Việt trong tà áo dài thướt tha và lộng lẫy làm cho nhiều người qua lại chú ý.
Kennedy Center, trung tâm trình diễn nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ, là nơi trang trọng nhất của đất nước Hoa Kỳ để thực hiện việc vinh danh và tri ân. Một số Tổng Thống Hoa Kỳ và vĩ nhân quốc tế đã được vinh danh tại đây.
Trong Hí Viện Eisenhower, khi màn vừa mở ra, hai người dẫn chương trình là Cô Cung Hoàng-Kim, đương kim Hoa Hậu Hoa Kỳ - Nebraska, và Anh Chris Phan, Thiếu Tá Hải Quân và Nghị Viên Thành Phố Garden Grove, mời quan khách đứng lên chào quốc kỳ Hoa Kỳ. Giọng hát cao vút và điêu luyện của ca sĩ Bích Vân trong bài quốc ca Hoa Kỳ ngay lập tức chinh phục khán giả.
Tiếp theo là quốc ca Việt Nam Cộng Hoà với Ban Tù Ca Xuân Điềm. Chiếu rọi lên màn ảnh cực lớn ở đằng sau là lá cờ vàng tung bay trong gió lộng lẫn với cảnh các chiến sĩ VNCH trong ngày duyệt binh hay đang xông pha trận mạc. Ban tổ chức cho biết đã phải chuyên chở màn hình đến từ California vì ở trong vùng không có màn hình đủ lớn.
Khi dàn nhạc trổi bài Hồn Tử Sĩ cho phút mặc niệm, sân khấu tắt đèn và hình phác hoạ bóng đen của một chiến sĩ gợi nhớ bức tượng Thương Tiếc được chiếu lên màn hình lớn, tạo ấn tượng bi hùng đến rợn người.
Ngay sau đó, sân khấu bừng sáng với bản hoà tấu về Mẹ Việt Nam, đã thai nghén và nuôi dưỡng con dân qua gần 5 nghìn năm lịch sử. Chín cô gái thướt tha trong các tà áo dài đặc trưng cho 3 miền đất nước bước ra sân khấu để chào đón quan khách và mở đầu chương trình trình diễn.
Bài Hòn Vọng Phu, do Bích Vân và Thiên Tôn song ca với phần hát đệm của Ban Tù Ca Xuân Điềm, nói lên nghĩa vụ của những người trai đất Việt và sự hy sinh của những người vợ hiền trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm bảo vệ quê hương.
Người đầu tiên được vinh danh là Binh Nhất Trần Văn Bảy, tiêu biểu cho 250 nghìn chiến sĩ VNCH đã âm thầm bỏ mình bảo vệ quê hương. Binh Nhất Bảy, đã hy sinh chính thân mạng mình để cứu sống một chiến binh đồng minh Hoa Kỳ, được Tổng Thống Hoa Kỳ trao huy chương cao quý Anh Dũng Bội Tinh. Sau đoạn video nói về sự hy sinh của Binh Nhất Bảy, hai nữ ca sĩ Hiếu Thuận và Như Hương song ca bài Anh Đi Chiến Dịch, với phần ngâm thơ trữ tình được đệm bởi tiếng sáo trúc du dương của Đào Công Minh.
Kế tiếp là phần vinh danh tổ chức Counterparts của các cựu cố vấn Hoa Kỳ. Đây là những người cùng sống cùng chết với quân dân miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến. Trong những thập niên 1990, họ sát cánh với BPSOS tranh đấu để bảo vệ thuyền nhân trước nguy cơ cưỡng bách hồi hương.
Họ đang thực hiện những dự án để giúp đỡ những người Việt-Miên-Lào gặp hoạn nạn. Cô Kim-Tài Garcia, một người lai Mỹ-Việt đến từ Michigan, trao kỷ vật cho người đại diện tổ chức này. Qua bài "Hello Vietnam" nam ca sĩ kiêm giáo sư thanh nhạc Sean Buhr của trường Đại Học New York diễn tả tâm tình của một thanh niên Mỹ đến Việt Nam trong lý tưởng bảo vệ tự do. Giọng hát điêu luyện của anh được tán thưởng bắng tràng vỗ tay nhiệt liệt.
Hai màn vũ của dân tộc Champa và Tây Nguyên nói lên tình gắn bó của các cố vấn Hoa Kỳ với những sắc dân thiểu số ở miền Nam. Các em gái người Champa, đến từ San Jose, múa quạt trong trang phục cổ truyền với mầu sắc tươi mát diễn tả cảnh thanh bình ở miền Nam thời xa xưa. Các em gái người Tây Nguyên, đến từ Raleigh, North Carolina, diễn tả mối tình gắn bó giữa 2 sắc tộc không cùng ngôn ngữ nhưng cảm thông nhau qua điệu múa.
Chương trình Vinh Danh và Tri Ân tiếp tục với đoạn video về "Các Siêu Nhân" (The Supermen), danh hiệu mà một số báo chí Phương Tây trao cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh vì đã chặn đứng trong gần 2 tuần lễ quân đội Bắc Việt đông gấp 7 trên đường tiến vào thủ đô Sàigòn.
Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh được mời lên sân khấu nhận kỷ vật do Bà Võ Mỹ Lệ và Bà Jane Nguyễn Nga-Dung, hai nữ lưu đến từ Houston, trao tặng. Qua bài "Người Tình Không Chân Dung", Duy Vũ, ca sĩ không chuyên nghiệp với giọng hát trầm ấm, diễn tả sự hy sinh âm thầm nhưng vô cùng cao cả của nhũng người lính VNCH. Duy Vũ là cháu gọi nhạc sĩ Hoàng Trọng, tác giả bài hát, là ông cậu.
Video "Những Người Bất Tử" -- tên do ban tổ chức đặt cho các quân cán chính VNCH đã không buông súng và chiến đấu đến hơi thở cuối -- đã làm nhiều người rơi lệ. Tiếp theo đó là bản hùng ca "Chiến Sĩ Tự Do" do Ban Tù Ca Xuân Điềm sáng tác và trình diễn, nói lên tình huynh đệ chi binh giữa các quân lực của thế giới tự do cùng sát cánh bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Phần giới thiệu Ban Tù Ca Xuân Điềm trong Quyển Chương Trình cho biết nhạc sĩ Xuân Điềm đã tự chế cây đàn banjo từ sắt vụn trong tù cải tạo. Cây đàn này đã cùng Ban Tù Ca Xuân Điềm đến với sân khấu Kennedy Center trong buổi vinh danh và tri ân.
Phần đầu của chương trình đóng lại với "Saigon Heroes", một nhóm nhỏ người Hoa Kỳ đã đóng góp rất nhiều cho việc đưa 125 nghìn người Việt di tản năm 1975; cũng chính họ sau đó đã rong ruổi đến các hoang đảo để lập trại tị nạn cho thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam, rồi mở chương trình ODP, HO, Amerasian, ROVR...
Những hoạt động âm thầm của họ, mà chính những người thọ ân cũng ít ai biết đến, đã giúp cho 1.2 triệu người tị nạn Việt-Miên-Lào đến bến bờ tự do ở Hoa Kỳ và nửa triệu người Việt định cư đến các quốc gia Phương Tây khác. Bà Hiệp Lowman, đại diện cho chồng là Shep Lowman, nhận kỷ vật từ Dược Sĩ Lâm Lê từ Atlana -- anh là cựu thuyền nhân hồi hương được định cư qua chương trình ROVR.
Ông Shep Lowman, đã qua đời, là con chim đầu đàn của nhóm Saigon Heroes. Thay mặt cho chồng, Bà Hiệp trao tặng cho tổ chức BPSOS bánh lái từ chiếc tàu vượt biên mang số KG 0141, đến Malaysia ngày 1 tháng 8, 1978. Thuyền trưởng của chiếc tàu này đã đích thân trao tặng nó cho Ông Shep Lowman tại đảo Pulau Bidong vào cuối năm 1978. Bài "The Impossible Dream" do Ca Sĩ Thiên Tôn trình diễn đã nhắc nhở mọi người đã từng mang thân phận tị nạn về giấc mơ tự do của ngày nào.
Phần hai của chương trình mở đầu với giàn đàn tranh của các em trong Nhóm Đàn Tranh Sử Việt đến từ San Francisco. MC Cung Hoàng-Kim giới thiệu: "Các em là hy vọng và tương lai của cộng đồng"; dù sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, các em vẫn yêu thương và gắn bó với văn hoá và truyền thống dân tộc.
Trong áo dài hồng, các em trình tấu ba bài cổ nhạc: Trống Cơm, Tùng Quân Đăng Đàn Cung, và Lý Ngựa Ô. Bố mẹ các em hoàn toàn tự túc phí tổn cho chuyến đi về thủ đô; một số nhà hảo tâm ở trong vùng đã cho các em và phụ huynh tá túc trong thời gian tập dợt và trình diễn.
Người kế tiếp được vinh danh là Dân Biểu Christopher Smith, người đã tranh đấu không mệt mỏi để bảo vệ thuyền nhân Việt Nam, các cựu tù cải tạo, các nạn nhân buôn người, và các nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền. Người trao kỷ vật là cựu Dân Biểu Cao Quang Anh và Bà Nguyễn Mai, một cựu nạn nhân buôn người được giải cứu từ đảo American Samoa.
Đón nhận kỷ vật là Tiến Sĩ Scott Flipse, một khuôn mặt quen thuộc trong lĩnh vực tự do tôn giáo và hiện là phụ tá của DB Smith. Tiếp theo là bản nhạc "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển" do chính tác giả Châu Đình An trình diễn với cây đàn ghi-ta. Hát một mình dưới ngọn spotlight mầu trắng ngà, biểu tượng cho ánh trăng trên bãi biển, nhạc sĩ Châu Đình An diễn tả sự cô đơn và đau quặn của những thuyền nhân khi phải bỏ người thân, xóm làng, và quê hương ra đi vì hai chữ tự do. Bài hát làm cho nhiều người trong khán giả đã từng là thuyền nhân rưng rưng nước mắt.
Nhiều quan khách đã cảm động bất ngờ khi MC Cung Hoàng-Kim thay mặt tất cả những người trẻ trong khán giả tri ân các người bố và người mẹ đã hy sinh rất nhiều cho tổ quốc và gia đình; bố thì chiến đấu bảo vệ quê hương rồi chịu cảnh tù đày còn mẹ thì tần tảo nuôi con trong cảnh nghèo túng và tìm đường gửi con đến bến bờ tự do. Thiên Tôn đã trở lại với khán giả với bài "Một Lần Miên Viễn Xót Xa" để nói lên tâm trạng của người con xa xứ, luôn hướng về quê hương của Mẹ Việt Nam.
Cựu Đại Tá Hải Quân Eugene McDaniel, một anh hùng của quân lực Hoa Kỳ, là người kế tiếp được vinh danh. Trong cuộc dội bom ở Văn Điển, gần Hà Nội, tháng 5 năm 1967, chiến đấu cơ của Ông bị bắn rớt và Ông bị bắt làm tù binh. Ông bị tra tấn dã man và chỉ được trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh vào tháng 3 năm 1973.
Sau thời gian dưỡng bệnh, Ông quay lại phục vụ và sau đó trở thành chỉ huy trưởng hàng không mẫu hạm USS Lexington. Khi cựu Đại Tá McDaniel bước ra sân khấu, các cựu quân nhân Hoa Kỳ và rồi mọi người trong hội trường đã đứng lên vỗ tay không dứt.
Người trao kỷ vật cho Ông là Nghị Viên Garden Grove kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California Bùi Thế Phát. Thu Hoài, ca sĩ đến từ Delaware và chuyên về thể loại Jazz, đã trình bày bản What a Wonderful World của nhạc sĩ lừng danh Louis Armstrong. Bài hát này được nhạc sĩ Louis Armstrong trình diễn trong các lần lưu diễn cho các binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam trước đây.
Phần cuối của chương trình nói lên tâm trạng của những người Việt tị nạn đã trở thành công dân và hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ nhưng luôn hướng lòng về quê hương tổ quốc, qua các bài God Bless America và America the Beautiful do ca sĩ Bích Vân và Sean Buhr trình bày, và bài Giấc Mơ Hồi Hương do ca sĩ Bích Vân đơn ca.
Lúc này, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng bước lên sân khấu để mời tất cả những người Mỹ và Việt đã từng phục vụ cho lý tưởng tự do ở miền Nam Việt Nam đứng lên để được mọi người hiện diện vinh danh và tri ân.
Tràng pháo tay vang dội kéo dài nói lên lòng cảm kích đối với những người đã cống hiến cho lý tưởng tự do. Ts. Thắng sau đó đại diện cho BPSOS và ban tổ chức cảm ơn các nhà bảo trợ tài chánh, các cơ quan truyền thông, các tình nguyện viên, các thành viên Hội Đồng Quản Trị và nhân viên của BPSOS, và các nghệ sĩ đã tình nguyện đóng góp cho chương trình. Ts. Thắng đọc tên của những cá nhân được vinh danh bởi một số người trong thành phần quan khách.
Ts. Thắng sau đó giới thiệu Ca Sĩ NgaMy đến từ Ohio với bài nhạc "Hình Ảnh Người Em Không Đợi", nói lên sự hoài niệm về một quá khứ đã vuột khỏi tầm tay.
Chương trình đóng lại với bản "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" với tất cả nghệ sĩ cùng xuất hiện trên sân khấu và nhiều người trong quan khách cùng hát và vỗ tay theo, thể hiện lời thệ nguyện là những người con của Mẹ Việt Nam sẽ ngửng cao đầu và tiếp bước trên "Hành Trình Đến Tự Do" cho cả dân tộc.
Chương trình chấm dứt đúng 10:30pm.
Bên ngoài Hí Viện Eisenhower, nhiều người đã nán lại để trò chuyện với nhau. Nhiều bác đứng tuổi cho biết đã không cầm được nước mắt vì chương trình chỉ trong 2 tiếng đồng hồ đã gói ghém cả một quãng lịch sử bi hùng của Việt Nam Cộng Hoà và hành trình đến tự do đầy tang thương và mất mát của trên triệu người Việt sau ngày 30 tháng 4, 1975. Các người trẻ thì bày tỏ niềm tự hào về lịch sử dân tộc, về Việt Nam Cộng Hoà, về thế hệ cha anh, và về căn cước Mỹ và Việt Nam của chính mình.
Kỷ vật trao cho những thành phần được vinh danh và tri ân trong đêm trình diễn là tác phẩm mỹ thuật bằng thuỷ tinh mang hình dáng chim phượng hoàng. Trong huyền thoại Hy Lạp, phượng hoàng sống lại từ đống tro tàn nên được ban tổ chức chọn để thể hiện sự trỗi dậy của cộng đồng người Việt tị nạn khắp thế giới tự do sau khi quê hương của họ bị biến thành đống tro tàn bởi một chế độ bạo tàn.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gửi lời chào mừng đến tất cả những người tham gia và tham dự chương trình Vinh Danh và Tri Ân: “Tôi gửi lời chào mừng đến mọi người tề tựu tại Trung Tâm Nghệ Thuật Trình Diễn John F. Kennedy Center nhân dịp 40 năm trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt.
Nhiều thập niên trước, quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam sẵn sàng hy sinh thân mạng và tất cả những điều yêu quý của họ để chiếu ánh sáng của tự do vào Việt Nam. Họ chiến đấu oai hùng trong rừng sâu và ruộng đồng, trong giông tố hãi hùng và nhiệt độ thiêu người để mưu cầu dân chủ – và sức mạnh của họ phản chiếu sự quyết tâm của tinh thần Hoa Kỳ.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng trong một cuộc biểu tình chống thái độ hung hăng của Tàu cộng tại biển Đông năm 2014* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.
Sáng nay, 25/06/2015 vào khoảng 8 giờ Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị khoảng 20 nhân viên công an cưỡng bức đưa lên xe đến cơ quan an ninh điều tra để "hỏi về các vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Quang Lập". Nhưng công an cũng đã yêu cầu ông Phạm Chí Dũng chấm dứt hoạt động trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập. Sau khoảng 8 giờ bị câu lưu và thẩm vấn, nhà báo Phạm Chí Dũng đã được trả tự do vào cuối giờ chiều hôm nay.
Trả lời RFI Việt ngữ ngay sau khi được thả, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:
"Sáng nay tôi đưa bé đi học ở trường Tuổi Thơ 7, quận 3 Saigon. Khi vào trường tôi chợt thấy có mấy người vào theo, và sau khi gởi bé rồi, tôi quay ra thì có khoảng hai chục người và một chiếc xe hơi đậu ngay trước cổng trường. Họ đưa tôi giấy triệu tập, yêu cầu đi về cơ quan công an điều tra để làm việc. Tôi từ chối, nói rằng tôi không có lý do nào để làm việc với họ. Sau đó họ đã bẻ quặt hai tay tôi ra sau lưng, và đẩy tôi ra khỏi cổng trường. Lúc đó đông người lắm.
Họ đưa tôi lên xe hơi, đến cơ quan an ninh điều tra. Tới đó họ nói lý do là vụ ông Nguyễn Quang Lập, vì cho tới nay vụ ông Lập vẫn chưa đình chỉ điều tra, và hoàn toàn còn nằm trong khuôn khổ của một vụ án. Họ hỏi tôi khá nhiều về những vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Quang Lập.
Thật ra thì tôi với ông Lập là bạn văn với nhau, cũng có quen biết ngoài đời một chút, nhưng không phải là quá thân thiết. Thành thử tôi cũng không biết nhiều để nói về ông Nguyễn Quang Lập.
Nhưng tôi rất nghi ngờ đây là một động thái của một phe nhóm nào đó. Họ muốn gắn tôi với vụ ông Lập để ngăn chặn tôi một điều gì. Và điều đó lại diễn ra ngay trước chuyến đi Mỹ dự kiến từ ngày 7 đến ngày 9/7 của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi ngờ rằng những vấn đề vi phạm thô bạo về nhân quyền kéo dài suốt từ tháng Năm năm nay : đánh blogger Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, và gọi hỏi điều tra kể cả đối với những linh mục Công giáo, tu sĩ Cao Đài, áp giải thô bạo đối với tôi…là những động thái có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hiệu quả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng. Và không có gì chắc chắn là ông Trọng đi Mỹ mà sẽ không bị cộng đồng quốc tế, Quốc hội Mỹ và kể cả Chính phủ Mỹ phản ứng, về chuyện Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những cam kết khi vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Một trong những câu hỏi mà điều tra viên xoáy vào tôi là:« Anh có quốc tịch Mỹ không ? » Dường như họ muốn nói kháy người Mỹ. Và khi tôi cho rằng, tất nhiên chúng ta cần phải có một liên minh quân sự với Mỹ hiện nay để đối trọng với dã tâm xâm lăng của Trung Quốc ; thì họ gần như tảng lờ không biết.
Cuối cùng cũng xoay quanh việc Hội Nhà báo Độc lập. Họ yêu cầu thẳng là trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập cần phải chấm dứt. Tôi nói rằng tất cả những vấn đề này tôi phải trao đổi lại với trong Hội, vì tôi không có quyền quyết định. Đó là một.
Vấn đề thứ hai: Bất kỳ những hành động nào của họ muốn ngăn chận tiếng nói tự do, phản biện, chính luận, đều là can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đã được Hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992.
Đến cuối giờ chiều hôm nay, tôi mới được thả ra. Cơ quan an ninh nói rằng kể từ nay trở đi họ có thể áp giải tôi bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu!"
Thuỵ My
Ngày 22 tháng 6 năm 2015 là một ngày đi vào lịch sử của thành phố Seattle và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại đây, khi Nghị Quyết Cờ Vàng do Nghị Viên Bruce Harell bảo trợ đã được 8 trong số 9 Nghị Viên có mặt đồng thuận thông qua: công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt Quốc Gia tại thành phố Seattle.
Lần đầu tiên Hội Đồng Thành Phố Seattle, thành phố lớn nhất tiểu bang Washington, nơi tập trung sinh sống làm ăn của khoảng 30 ngàn người Mỹ gốc Việt, đã đưa Nghị Quyết Cờ Vàng vào chương trình nghị sự trong phiên họp vào hôm thứ Hai ngày 22 tháng 6 năm 2015.
Nghị trình phiên họp đã được khai mạc vào lúc gần 2:30 giờ trưa. Trong thời gian diễn ra phiên họp, nghị trường chật kín người tham dự, nhiều người phải đứng ở phía cuối sát vách hội trường. Một số người đến trễ phải đứng bên ngoài phòng họp. Tổng cộng tất cả ước lượng có khoảng trên 200 đồng hương tham dự. Hầu hết mọi người đều có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa và Cờ Mỹ trên tay, có người thắt cà vạt và có những phụ nữ mặc áo dài màu Cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Gần 20 người Việt, mỗi người có 2 phút lên trình bày và kêu gọi các nghị viên ủng hộ nghị quyết. Đặc biệt trong số này có các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai như anh Nguyễn Đô, Phạm Trọng, Nha sĩ Vũ Tùng, Luật sư Tăng Sam…
Giây phút hồi hộp, khi các Nghị Viên bắt đầu biểu quyết. Chỉ duy nhất nữ nghị viên Kshama Sawant không tán đồng, còn lại 8 nghị viên viên khác đều đồng thuận với tinh thần nghị quyết. Vào đúng 3:03 trưa, Nghị viên Bruce Harell đã đứng dậy tuyên bố Nghị Quyết Cờ Vàng – RES 31591 đã được HĐTP Seattle thông qua với tỷ lệ 8/1.
Hơn 200 đồng bào Việt Nam đến tham dự cuộc họp của Hội Đồng Thành Phố đã vui mừng đứng lên vỗ tay vang dội khi Nghị Quyết Cờ Vàng được Hội Đồng Thành Phố thông qua. Cờ Vàng 3 sọc đỏ lớn nhỏ được đưa lên cao phất phới khắp phòng. Mọi người bắt tay nhau chia vui trong nụ cười đắc thắng. Một số Nghị Viên rời ghế bước xuống bắt tay các cư dân gốc Việt chia xẻ niềm vui lớn và chúc mừng.
Nhiều người đã không ngăn được sự xúc động vì qua bao nhiêu năm mong mỏi, niềm mơ ước đã thành sự thật: Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu đã được chính quyền thành phố công nhận là biểu tượng chính thức của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington
Được biết nghị quyết Cờ vàng có mã số RES 31591 với mục đích hỗ trợ cho CĐNV tại thành phố Seattle, có nội dung công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt tại đây ~ A RESOLUTION recognizing the Vietnamese Heritage and Freedom flag as the symbol for Seattle’s Vietnamese community, theo lời Nghị viên Bruce Harell, đã được sự vận động và trợ giúp của ba người trẻ gốc Việt quen thuộc với các sinh hoạt giòng chính tại địa phưong đó là cô Huỳnh Phương Linh – nhân viên HĐTP, anh Tăng Vinh – nhân viên của Nghị viên Bruce Harell, và Võ sư Thái Nhật Lĩnh – nhân viên của dân biểu liên bang Adam Smith.
Tuy nhiên trong buổi họp trước đó tại nhà hàng Jumbo, chính cô Huỳnh Phương Linh nhiều lần lập đi lập lại người tiên phong và nhiều công sức nhất cho cuộc vận động này chính là Võ sư Thái Nhật Lĩnh. Nếu không có sự thúc đẩy và làm việc cật lực của Võ sư Lĩnh, Nghị Quyết RES 31591 khó thành hình và được đưa ra bàn thảo tại HĐTP. Riêng thời gian từ khi bắt tay vận động cho đến ngày Nghị quyết được thông qua hôm 22/6, trong một email mới nhất gởi chung cho nhiều người, Võ sư Thái Nhật Lĩnh cho biết kéo dài khoảng 5 năm trời.
Theo lịch trình được thông báo, Thị trưởng Seattle Ed Murray sẽ chính thức ký ban hành nghị quyết này tại một buổi lễ trang trọng diễn ra vào lúc 3 giờ trưa ngày thứ Hai 29 tháng 6 tuần tới tới đây.
Tuần báo Người Việt Ngày Nay số phát hành vào ngày thứ Sáu 26/6 sẽ có bài tường trình đầy đủ về thắng lợi vẻ vang nhất từ trước tới nay của Người Mỹ gốc Việt tại thành phố Seattle.
Video: Tác giả Carina Hoàng trả lời cho những tin đồn sai lạc về cô. ▼
* Buổi ra mắt sách rất thành công. Vì không đủ sách Boat people bằng tiếng Anh nên nhiều người tham dự phải order.