Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ chụp được các hình ảnh cho thấy hành động xây đảo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa.
* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.
Chính phủ Úc khẳng định lập trường trong một phúc trình đăng trên báo The Australian hôm nay, nói rằng Canberra đang tích cực cứu xét việc điều máy bay trinh sát P-3 tới không phận bên trên vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo tân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, là khoảng cách tiêu biểu phân biệt vùng thuộc chủ quyền lãnh hải, tính từ bờ biển.
Các luật sư của chính phủ Úc tin rằng các chuyến bay trong phạm vi 12 hải lý là hợp pháp theo luật quốc tế, bởi vì ‘chỉ có những bãi đá nhô cao hơn mức thuỷ triều dâng, mới có thể được tính là có chủ quyền lãnh thổ’.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc tuyên bố quyền tự do hàng hải, tự do qua lại trên các vùng biển quốc tế, kể cả tại Biển Đông, phục vụ lợi ích của tất cả mọi người.
Bản tin đăng trên báo The Guardian của Anh hôm qua tường thuật rằng Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews nói Australia sẽ “tiếp tục qua lại trên Biển Đông” nhưng ông nhấn mạnh rằng những chuyến tuần tra của Úc không phải là một hiện tượng mới, và ông lưu ý rằng chính phủ Úc không chính thức thảo luận vấn đề này với đồng minh thân cận của mình là Hoa Kỳ.
Người phát ngôn về vấn đề quốc phòng của phe đối lập, Stephen Conroy, ủng hộ lập trường của chính phủ Úc về quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo nhân tạo. Ông nói rằng các cấu trúc ấy không được quốc tế công nhận.
Hôm qua, một người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Úc ra thông báo để khẳng định quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, kể cả trong Biển Đông.
Nữ phát ngôn viên này nói: “Các nước trong khu vực đều biết là Australia đã tuần tra không phận trên Biển Đông từ hơn 30 năm qua trong khuôn khổ “chiến dịch Cửa Ngỏ - Operation Gateway”. Chúng tôi đã thực hiện công tác này liên tục từ năm 1980 tới nay, và sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai, như một sự đóng góp của Australia vào việc duy trì an ninh và ổn định khu vực tại Đông Nam Á.”
Người phát ngôn này cho biết chính phủ Úc không thảo luận chính thức với Hoa Kỳ về vấn đề tự do hàng hải trong Biển Đông, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã gặp vị tương nhiệm Mỹ Ashton Carter.
Trung Quốc phản đối các phi vụ trinh sát của máy bay Mỹ hồi gần đây trên các khu vực tranh chấp, nhưng một người phát ngôn của Ngũ Giác Đài nói rằng các phi vụ tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo của Trung Quốc “sẽ là bước kế tiếp” của Mỹ.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Úc hậu thuẫn các sứ mạng tuần tiễu để duy trì quyền tự do hàng hải. Ông nói những sứ mạng đó có phần chắc sẽ bị Bắc Kinh chỉ trích, nhưng theo ông, rủi ro lớn hơn là không thực hiện các sứ mạng đó, bởi vì không làm gì cả là ‘mặc nhiên nhượng bộ Trung Quốc, cho phép nước này coi một vùng biển quốc tế là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình”.
Tuy nhiên, Giáo sư Hugh White thuộc Học viện Quốc gia Australia cảnh giác rằng Canberra nên thận trọng hơn, và ông nhận định ông sẽ không ngạc nhiên, nếu chính phủ Úc không hậu thuẫn việc nới rộng các sứ mạng tuần tra Biển Đông, mà theo ông có nhiều rủi ro.
Trước đó, Australia và Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hãy ngưng các hoạt động xây đảo trên Biển Đông.
Theo tạp chí Time, các giới chức Mỹ nói rằng Công ước Quốc tế về Luật Biển cấm đoán những hành động mà Trung Quốc đang thực hiện trong Biển Đông. Công ước Liên Hiệp Quốc khẳng định rõ “các đảo nhân tạo, các cấu trúc nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo thiên nhiên. Đảo nhân tạo không có chủ quyền lãnh thổ riêng, không có khu đặc quyền kinh tế và không được coi là thềm lục địa của một nước”.
* Nguồn tin: hhttp://www.voatiengviet.com/content/australia-xem-xet-mo-rong-hoat-dong-tuan-tra-bien-dong/2805731.html
* Đọc lịch sử Việt Nam, xem tin tức, nghe đài phát thanh và Audio tài liệu cập nhật mỗi ngày xin hãy nhấn vào các Websites dưới đây: