Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ vừa ra thông báo giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2016 được trao cho những người có thành tích tranh đấu cho nhân quyền trong nước. Ba cá nhân là Luật sư Võ An Đôn, bà Cấn Thị Thêu, và bà Trần Ngọc Anh. Tập thể tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng nhận được giải lần này.
* Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.
Tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ vừa ra thông báo giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2016 được trao cho những người có thành tích tranh đấu cho nhân quyền trong nước. Ba cá nhân là Luật sư Võ An Đôn, bà Cấn Thị Thêu, và bà Trần Ngọc Anh. Tập thể tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng nhận được giải lần này.
Trong cuộc gặp gỡ truyền thông tại Little Sai Gon thuộc tiểu bang California đại diện của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cho biết năm nay có 22 người được đề cử từ Việt Nam và hải ngoại. Quyết định chọn ba cá nhân gồm LS Võ An Đôn, bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh. Riêng về tập thể được chọn trao giải là tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam.
Tất cả căn cứ trên tiêu chuẩn đóng góp vào cuộc tranh đấu trực tiếp cho nhân quyền Việt Nam.Luật sư Võ An Đôn một trong những người nhận giải năm nay cho chúng tôi biết cảm tưởng của ông khi nghe tin được chọn, ông nói:
“Khi tôi nghe tin Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 cho tôi thì tôi rất vui mừng và hãnh diện về giải thưởng này. Giá trị ở đây là thành quả của tôi trong quá trình bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam được ghi nhận, đó là khích lệ tinh thần đối với tôi và những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam rất là lớn.”
Bà Trần Ngọc Anh, người dân oan trở thành lãnh đạo cuộc đấu tranh cho người bị mất đất thuộc các tỉnh miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần bị bắt giữ, bị đánh đập sách nhiễu nhưng bà Anh vẫn kiên trì theo đuổi việc đưa ra ánh sáng những áp bức, bất công của chính quyền đã gây ra cho bà cùng với hàng trăm dân oan khác. Bà Trần Ngọc Anh từng bị đi tù 15 tháng với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Một người dân oan khác biến thành người cầm đầu dân oan tại miền Bắc Việt Nam là bà Cấn Thị Thêu.
Chính quyền Hà Tây đã nhiểu lần tiến hành việc cưỡng chế đất đai của người dân Dương Nội trong đó có phần đất của gia đình bà. Do bị đối xử bất công bà Cấn Thị Thêu đã cùng với người dân Dương Nội tranh đấu với lực lượng cưỡng chế nhiều lần, kết quả vào năm 2014 bà và chồng bị bắt, giam giữ và kết án 15 tháng tù giam với tội danh chống người thi hành công vụ.
Ngày 10 tháng 6 năm 2016 vừa qua bà tiếp tục bị bắt giữ và kết án 20 tháng tù giam với cáo buộc “gây rối an ninh trật tự”.
Con trai bà Cấn Thị Thêu là anh Trịnh Bá Phương cho chúng tôi biết khi nhận được tin mẹ mình được trao giải của Mạng lưới Nhân Quyền năm 2016:
“Tôi với cương vị là một người con tôi rất vinh dự để được sự yêu mến của ban tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Tôi coi đó là một cái động lực, không chỉ là một món quà vô giá đối với mẹ tôi mà nó còn thúc đẩy, động viên an ủi đến tất cả mọi người đang gánh chịu sự bất công của chế độ độc tài cộng sản.”
Vận động bãi bỏ điều 258 Bộ luật hình sự
Giải tập thể năm nay được trao cho Mạng lưới Blogger Việt Nam vì tổ chức này đã đấu tranh vận động quốc tế bãi bỏ điều 258 Bộ luật hình sự. Những hoạt động cụ thể tuyên truyền vận động cho người dân về dân chủ nhân quyền từ khi thành lập vào năm 2013. Mới nhất là hoạt động chống tập đoàn Formosa đã gây ra thảm họa môi trường tại Việt Nam. Chị Trịnh Kim Tiến, một thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam cho biết:
“Khi nhận được thông tin được giải thưởng Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam tôi rất vui và tự hào vể điều đó. Những thành quả, sự cố gắng từng bước đi của Mạng lưới blogger Việt Nam đã được công nhận, yêu mến cũng như là tiếp thêm sức mạnh qua giải thưởng này.”
Trong hoạt động chống lại nhà máy Formosa người blogger chủ chốt của tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm đã bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” Nhận định việc này chị Trịnh Kim Tiến chia sẻ:
“Điều đó tôi cũng đang muốn nói đến. Trong niềm vui nhận được giải thưởng thì Mạng lưới Blogger Việt Nam vẫn luôn nhớ tới người anh em của mình là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Hiện tại chị Quỳnh bị bắt giam theo điều 88. Gia đình và bản thân của chị đang chịu rất nhiều bất công vi phạm luật pháp từ phía nhà cầm quyền. Hiện tại mạng lưới Blogger đã có những chiến dịch kêu gọi, vận động cũng như mong mọi người hưởng ứng tranh đấu cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Hiện nay chị đã bị bắt giam 35 ngày rồi nhưng gia đìh không nhận được tin tức gì. Cơ quan công an cố tình vi phạm luật tố tụng để gia đình không được gặp cũng như không trả lời có luật sư cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”
LS Võ An Đôn cho biết ông không biết có nhận được kết quả xấu khi nhận giải này hay không khi những luật sư như ông từng nhận giải này đã bị tù đày trước đây, ông cho biết:
“Những người nhận giải Nhân Quyền của Quốc tế trao cho người đấu tranh trong nước thì thường bị chính quyền sách nhiễu rất nhiều. Riêng giới luật sư mà tôi được biết có 3 luật sư Việt Nam trước đây đã nhận giải Nhân Quyền đều bị phạt tù từ 3 đến 5 năm. Đó là luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân và luật sư Lê Quốc Quân những người này đều bị đi tù.
Riêng tôi may mắn tới nay chưa bị tù nhưng không biết tương lại sẽ như thế nào anh ạ.”
Anh Trịnh Bá Phương chia sẻ ý nghĩa của giải thưởng đối với nỗ lực đấu tranh của mẹ anh và những người khác đối với giải thưởng đặc biệt này:
“Thông qua giải Nhân quyền này các vấn đề, vấn nạn nhất tại Việt Nam hiện nay là dân oan về đất đai dân oan về môi trường. Với chúng tôi không phải chỉ mất quyền tư hữu về vật chất mà còn mất luôn quyền tư hữu về tinh thần tức là bị mất đi quyền con người, quyền được sống, quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc trên chính mảnh đất của quê hương mình đã bị nhà cầm quyền độc tài cướp đi cả tương lai của chúng tôi.
Tôi rất tin tưởng rằng sau giải Nhân quyền 2016 lần này thì vấn nạn này sẽ được giới quan sát quốc tế cũng như các tổ chức Nhân quyền họ sẽ chú ý hơn về tình trạng Việt Nam hiện nay.”
Được biết buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Boston thuộc tiểu bang Masschusetts Hoa kỳ nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 68.