05 October 2017

Video & Nhân chứng lịch sử nói về trận Mậu Thân trong phim tài liệu “The Vietnam War”

*   Quý Vị thích xem tin tức Cộng Đồng Video - Hồi ký ▼ xin hãy nhấn 2 hàng chữ màu đỏ ►    http://www.khangsydney.blogspot.com.au/   http://www.khanghuong.blogspot.com.au/

Bộ phim tài liệu truyền hình “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) dài 10 tập, được khởi chiếu trên Public Broadcasting Service (PBS) hồi trung tuần tháng 9. Mặc dù được dư luận Mỹ đánh giá có thể nói là bộ phim đầy đủ và trung thực nhất về Chiến tranh Việt Nam trong 42 năm qua, thế nhưng nhiều khán giả Việt Nam, nhất là những người gắn liền với cuộc chiến này cho rằng bộ phim chưa phản ánh hết sự thật, đặc biệt liên quan trận Mậu Thân năm 1968.

50 năm biến cố Mậu Thân

Chỉ vài tháng nữa thì biến cố Mậu Thân xảy ra tròn đúng 50 năm, 1968-2018. Và tuy rằng thời gian dẫu dài nửa thế kỷ cũng như các thế hệ hậu sinh tại Việt Nam không có nhiều thông tin chính xác về sự kiện này, nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng và chết chóc tang thương vẫn là nỗi đau lịch sử.

Ngược thời gian trở về thời điểm Tết Mậu Thân-năm 1968, mặc dù Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bên kia vĩ tuyến 17 và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền Nam ký thỏa thuận đình chiến để dân chúng đón Tết cổ truyền, Quân đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tiến hành cuộc tổng nổi dậy và đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã tại miền Nam Việt Nam, gây ra cái chết cho hàng ngàn thường dân vô tội.

Thế nhưng, những người từng là chứng nhân biến cố Mậu Thân khi xem bộ phim tài liệu “The Vietnam War” không thấy hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick trình bày sự thật về tội ác của Việt Cộng trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế.

Nhiều người khác cũng nói họ không thấy hai đạo diễn nhắc đến các vụ ám sát, đánh bom, khủng bố do Việt Cộng tiến hành tại miền Nam Việt Nam suốt hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Dù rằng nội dung của bộ phim tài liệu “The Vietnam War” từng nhấn mạnh “trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất”, nhưng rất nhiều khán giả Việt Nam cũng nhắc lại “một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Một dẫn chứng rõ nét mà khán giả Việt Nam đặt dấu hỏi không rõ hai vị đạo diễn của bộ phim tài liệu công phu, phải mất 10 năm thực hiện, “The Vietnam War” cố ý hay vô tình không đưa hết sự thật của vụ việc liên quan bức hình Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém, bí danh Bảy Lốp của Quân Giải Phóng Miền Nam trên đường phố Sài Gòn, trong sự kiện Mậu Thân-năm 1968.

Bộ phim “The Vietnam War” đã không nhắc lại lời xin lỗi của Tác giả bức hình “Saigon Execution”, đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer Prize đến cựu Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan sau 30 năm, Nhiếp ảnh gia Eddie Adams viết trên tờ Time rằng bức hình chỉ nói lên một nửa sự thật mà thôi.

Chứng nhân lịch sử lên tiếng

Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cho RFA biết ông không xem bộ phim tài liệu “The Vietnam War”, nhưng trong thời gian công chiếu của phim, rất nhiều người Việt khắp nơi, nhất là thế hệ 1.5 và cả thế hệ thứ 2 đã liên lạc để hỏi ông về tính xác thực của bộ phim.

Lên tiếng về trận Mậu Thân-năm 1968, cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo cho rằng cần phải ghi nhớ ba điều quan trọng:

“Trận Mậu Thân là một chiến thắng rất oai hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). VNCH đánh chứ Mỹ không đánh trận Mậu Thân. Việt Cộng đã không chiếm được thành phố nào. Cán bộ tuyên truyền của Việt Cộng kêu gọi dân chúng nổi dậy. Đồng bào có chạy, nhưng không chạy theo Việt Cộng mà chạy theo VNCH và chỉ chỗ cho VNCH đánh trả Việt Cộng. Đây là một sai lầm của Việt Cộng, làm cho Hà Nội hiểu lầm đã đến lúc chín muồi để tấn công miền Nam.

Thứ hai nữa là Cộng sản Bắc Việt quyết tiêu diệt Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trận Mậu Thân, Việt Cộng chết nhiều lắm. Chết nhiều để sau này Bắc Việt Cộng sản vô trám chỗ. Khi tôi ở tù, tôi được đọc tài liệu tổng kết của Hà Nội có một trăm mười mấy ngàn cán bộ về quân sự và hạ tầng cơ sở bị ‘loại’, mà phần đông là những người chiến đấu ở miền Nam.”

Điều quan trọng thứ ba mà cũng là điều quan trọng nhất của trận Mậu Thân, theo cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo mặc dù Cộng sản Bắc Việt thua trên mặt trận nhưng đã thắng trên bàn đàm phán qua Hiệp định Paris 1973, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và rút quân về.

Một nhân chứng lịch sử trong trận Mậu Thân-năm 1968, cựu Đại tá Bộ binh Keith Nightingale, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội Hoa Kỳ, ông đã hai lần sang Việt Nam với vai trò Cố vấn trưởng Nhảy Dù và Biệt Động Quân và là Cố vấn trưởng Tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân trong trận Mậu Thân-năm 1968 chia sẻ trên trang Facebook rằng bộ phim tài liệu “The Vietnam War” đã không nói đúng sự thật về vai trò của người lính VNCH và binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Cựu Đại tá Bộ binh Keith Nightingale nói với RFA:

“Tôi nghĩ rằng bộ phim tài liệu của Đạo diễn Burns đã phớt lờ vai trò của bính sĩ Mỹ và của Quân lực VNCH trong cuộc chiến Việt Nam, hay thậm chí là không đề cập đến họ.

Tôi đã có mặt trong trận Mậu Thân và tôi cam đoan những người lính VNCH đã anh dũng phản công trong trận chiến này, đóng vai trò chủ lực gần như 90%. Cả binh sĩ của VNCH và Mỹ đều có tinh thần chiến đấu rất cao và chắc chắn là họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm hết khả năng trong trận Mậu Thân. Bộ phim tài liệu của Đạo diễn Burns đã quên lãng điều này.

Tôi không cho rằng những người lính cảm thấy mình là nạn nhân, mà bất kỳ sự khiển trách nào cũng phải quy cho giới lãnh đạo của Mỹ và của VNCH. Riêng những người lính của cả Mỹ và VNCH đã làm tròn bổn phận trong các hoàn cảnh vô cùng khó khăn của cuộc chiến.”

Từ Việt Nam, Linh mục Phan Văn Lợi, một nhân chứng lịch sử của cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế, do Việt Cộng gây nên, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng dù những thức phim tư liệu “The Vietnam War” chỉ trình chiếu sơ sài những gì xảy ra ở Huế trong biến cố Mậu Thân, nhưng tính thiên lệch của bộ phim đã khơi thêm vết thương lòng không chỉ riêng của người dân Huế mà của cả dân tộc Việt vốn chưa bao giờ lành suốt gần 50 năm. Ký ức về biến cố Mậu Thân luôn hiển hiện trong tâm tưởng của vị Linh mục mà ông đã chứng kiến khi còn rất trẻ:

“Tôi thấy hình ảnh về Mậu Thân, đó là sự giết hại dân lành vô tội. Đó là một sự khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản không những đối với các viên chức mà còn đối với cả dân thường. Trong số những người bị giết chết có ba vị thầy của tôi, ở Dòng Thánh Tâm, trong đó có một linh mục người Pháp. Rồi có ba người bạn của tôi bị chôn sống nữa.

Đó là những ảnh hãi hùng mà tôi không bao giờ quên. Đây là tội ác tày trời của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam và là sự xâm phạm phong tục thiêng liêng trong ngày Tết cũng như vi phạm lời hứa của Cộng sản sẽ ngưng chiến trong dịp Tết Mậu Thân.”

Chính quyền Hà Nội luôn tuyên truyền sai sự thật về biến cố Mậu Thân- năm 1968, nhưng không ít những người trẻ tại Việt Nam thuộc các thế hệ sinh sau chiến tranh vẫn nắm được thực chất của mọi diễn tiến trong những ngày Xuân Khói Lửa đó qua hồi ức của nhân chứng và qua tìm hiểu trong kho tư liệu khổng lồ của Internet.

Nay khi bộ phim “The VietNam War” được công chiếu mà lại không rõ nét về biến cố tang thương đó; nhiều người thấy có trách nhiệm phải lên tiếng cho sự thật của lịch sử.

Hòa Ái/RFA

Tin tức từ Link ▼ * Nhấn vô hàng chữ trên đầu Video sẽ đến nguồn gốc Youtube.

Blog Archive